Theo cáo trạng, khi biết tin Đặng Văn Công có hành vi vi phạm pháp luật bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Can Lộc bắt tạm giam để xử lý, vào lúc 13h ngày 14.8.2012, Đặng Văn Định (SN 1979) gọi điện cho Đặng Văn Minh (SN 1972), Đặng Văn Đồng (SN 1990), Đặng Văn Chính (SN 1981) đều trú tại xóm Tràng Sơn xã Yên Lộc huyện Can Lộc đến nhà Định để bàn nhau tập trung ra trụ sở UBND xã Yên Lộc gây áp lực, yêu cầu thả Đặng Văn Công.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Mặc dù được lãnh đạo xã Yên Lộc giải thích rõ việc Đặng Văn Công bị bắt nhưng bà Quý-mẹ của Đặng Văn Công, cùng các đối tượng trên và nhiều đối tượng khác, đã không nghe. Họ tiếp tục lợi dụng việc này để thực hiện hành vi gây rối, kích động, dụ dỗ lôi kéo những người dân gần đó đến UBND xã Yên Lộc gây áp lực, đập phá tài sản, hành hung cán bộ.
Hậu quả là ông Nguyễn Huy Quế-Chủ tịch UBND xã bị đánh tổn hại sức khoẻ 15,22 %; ông Trần Văn Sơn-Trưởng Công an huyện Can Lộc bị đánh tổn hại sức khỏe 8,71%. Các cán bộ UBND xã như ông Dương Chí Thanh, Nguyễn Vinh Cảnh, Nguyễn Tiến Dũng đều tổn hại sức khỏe trên 7%. Trụ sở UBND xã Yên Lộc bị vỡ 72 ô kính và hư hỏng một số tài sản khác, thiệt hại hơn 52 triệu đồng…
Căn cứ vào các tình tiết trong vụ án, lời khai các bị cáo, nhân chứng tại tòa.., Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đặng Văn Quang và Đặng Văn Toàn mỗi người 6 năm 6 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích", "Gây rối trật tự công cộng" và "Giữ người trái pháp luật".
Đặng Văn Định bị Hội đồng xét xử tuyên án 6 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích" và "Gây rối trật tự công cộng".
Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt Đặng Văn Đồng, Đặng Văn Chính, Trần Đình Hạnh mỗi người 3 năm tù; Nguyễn Văn Đào 2 năm tù; Đặng Văn Minh, Đặng Văn Chiến, Hồ Nam mỗi người 30 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Tổng mức hình phạt cho 10 bị cáo là 37 năm 6 tháng tù giam.
Ngoài các bị cáo nói trên, còn có 21 bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bị hại.
Lam Khê