Trước xu hướng giá xăng dầu thế giới giảm mạnh kéo mặt bằng giá cơ sở trong nước giảm theo, chiều nay 18.4, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối thực hiện giảm giá bán lẻ trong nước. Đồng thời, thuế nhập khẩu các loại xăng dầu cũng được khôi phục tăng thêm 2%.
Cụ thể, liên Bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước điều chỉnh giảm giá bán lẻ tối thiểu từ 87 đến 408 đồng/lít (đối với các mặt hàng xăng, dầu diezel và dầu hỏa). Riêng mặt hàng dầu ma zút, do mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở không lớn nên yêu cầu giữ ổn định.
Thời điểm điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự quyết định vào thời điểm thích hợp nhưng không được muộn hơn 19h hôm nay.
Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Petrolimex sẽ điều chỉnh giảm giá xăng bán lẻ 410 đồng/lít, dầu hỏa giảm 200 đồng/lít và dầu diezel 100 đồng/lít.
Như vậy, kể từ 19h hôm nay, giá xăng A92 (vùng 1) tại các cây xăng thuộc Petrolimex sẽ giảm từ 24.050 đồng/lít xuống còn 23.640 đồng/lít; dầu diezel 0,05S từ 21.450 đồng/lít xuống 21.350 đồng/lít và dầu hỏa từ 21.600 đồng/lít xuống còn 21.400 đồng/lít.
Cùng với việc giảm giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính khôi phục một bước thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu thêm 2%. Trong đó, thuế xăng tăng lên 14%; dầu diezel lên 10%; dầu hỏa và dầu ma zút lên 12%.
Thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho biết, giá xăng dầu thế giới kể từ sau ngày giảm giá xăng, dầu trong nước gần đây nhất (ngày 9.4.2013) tiếp tục biến động theo xu hướng giảm.
Giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày tính đến ngày 18.4.2013 như sau: giá xăng RON 92 114,67 USD/thùng; dầu diezel 0,05S: 119,42 USD/thùng; dầu hỏa: 118,90 USD/thùng, dầu ma zút 180 cst: 625,18 USD/tấn.
Thời gian trước đây, mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu của các mặt hàng xăng, dầu đều thấp hơn barem thuế quy định như: xăng 12% thấp hơn barem (20%) là 8%; dầu diezel 8% thấp hơn barem (15%) là 7%; dầu hỏa 10% thấp hơn barem (20%) là 10%; dầu ma zút 10% thấp hơn barem (15%) là 5%, song để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới lên cao, có thời gian Nhà nước giữ mức thuế suất 0% đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu (từ 7.3.2012 đến 9.5.2012). Mức thuế suất hiện hành được khôi phục dần và giữ ổn định suốt từ ngày 11.9.2012 đến nay.
Như vậy, với mặt bằng giá xăng dầu thế giới giảm mạnh hiện nay, liên Bộ tài chính - Công Thương đã quyết định giảm một phần giá bán lẻ trong nước và tăng một phần thuế, nhằm hài hòa lợi ích ba bên: Người dân - Nhà nước - Doanh nghiệp.
Với mặt bằng giá xăng dầu thế giới hiện nay, theo tính toán, giá cơ sở trung bình 30 ngày (từ ngày 14.3 đến 12.4) của mặt hàng xăng A92 chỉ khoảng 23.850 đồng/lít, và so với giá bán lẻ hiện nay, doanh nghiệp lãi khoảng 200 đồng/lít. Nếu cộng cả khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít thì các doanh nghiệp đầu mối lãi 500 đồng/lít.
Còn tính theo chu kỳ 10 ngày gần đây, các doanh nghiệp đầu mối có thể lãi tới 1.000 đồng/lít đối với xăng và 500 đồng/lít đối với dầu.