Tiền tỷ cho di sản
Nhiều năm trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư tiền tỷ cho các địa phương để bảo tồn các hình thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống và làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, với hàng chục các hạng mục, công trình lớn nhỏ.
Có thể kể tới 2 Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng; 5 Di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ.
Rồi các danh hiệu khác: Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên địa chất toàn cầu, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ, Ca trù, Hát xoan là Di sản văn hóa kiệt tác truyền khẩu phi vật thể; Hội Gióng - Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) - Di sản văn hóa thế giới, Mộc bản triều Nguyễn, 82 bia tiến sĩ Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm- Bắc Giang được công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và cố Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. |
Và mới nhất, ngày 13.4, tỉnh Phú Thọ đã đón bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong nhiều hồ sơ mà Việt Nam đã và đang xây dựng để đề nghị vinh danh, mới nhất là Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh được lựa chọn là di sản đại diện cho Việt Nam xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới năm 2014. Theo Cục Di sản - Bộ VHTTDL, hồ sơ về Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh đang được nhanh chóng hoàn thiện để chính thức trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) muộn nhất vào ngày 31.3.2013.
Ngoài tiền của đầu tư để xây dựng các bộ hồ sơ, sau khi (nếu) được công nhận sẽ là những lễ hội, chương trình hoành tráng (kinh phí cũng tới tiền tỷ) mà các địa phương có di sản tổ chức để đón nhận danh hiệu. Và tiếp đó sẽ là nhiều, rất nhiều các dự án, kế hoạch được đề ra để bảo tồn, phát huy giá trị, quảng bá di sản ấy. Tốn tiền tỷ để làm những việc đó là điều rất tốt...
Hờ hững với “hồn cốt”
Nhưng, có một điểm chung của rất nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở nhiều địa phương là “bỏ quên”, hờ hững, thiếu sự quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho các nghệ nhân - những người được coi là hồn cốt, nền tảng làm nên giá trị đích thực của các di sản, loại hình nghệ thuật ấy.
GS - TS Ngô Đức Thịnh
Theo số liệu của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong 297 nghệ nhân được ghi danh thì gần 70 cụ đã từ trần và hiện tại còn hơn 200 nghệ nhân đều không có thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiết kiệm hay một khoản trợ cấp nho nhỏ theo định kỳ. Họ vẫn đang chấp nhận cống hiến hết mình, gìn giữ hết mình di sản văn hóa mà không hề có sự đãi đằng nào từ phía cơ quan nhà nước.
Với những người yêu mến ca trù, tên tuổi của cụ Phan Thị Mơn ở làng Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh từ lâu đã rất nổi tiếng. Nổi tiếng không phải bởi vô số những danh hiệu mà cụ đã dành được trong các cuộc thi hát tổ chức khắp cả nước. Cụ còn được biết đến là 1 trong số ít nghệ nhân ca trù của thế hệ trước còn sót lại. Thế nhưng, nghệ nhân gần 90 tuổi này cả đời sống trong căn nhà tạm bợ, phải lo ăn từng bữa, hoàn toàn dựa vào tiền trợ cấp người cao tuổi chỉ hơn 100.000 đồng/tháng. Và vào cuối năm 2011, Nghệ nhân Phan Thị Mơn ra đi mà chẳng mấy ai hay.
Trường hợp của của nghệ nhân ca trù ở xứ Thanh Nguyễn Thị Kim còn chua xót hơn. Vào tháng 10.2011, Liên hoan Ca trù toàn quốc diễn ra ở Hà Nội, khi được mời lên nhận danh hiệu nghệ nhân của Hội Văn nghệ dân gian, bà không có mặt. Mọi người mặc định là bà già yếu không ra Hà Nội được, nhưng ít ai biết lúc đó bà Kim đã mất được vài tháng! Chút danh hiệu cuối đời vậy là thành truy tặng.
Những người biết đến Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu cũng rất đau lòng: Cả đời con người nổi tiếng ấy sống trong đói nghèo, tới lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn lầm lũi sống trong căn nhà rách nát.
Trao đổi với NTNN, GS - TS Ngô Đức Thịnh- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa cho rằng: Khi nói đến di sản tức là nói đến các nghệ nhân. Điều này tôi đã nói rất lâu rồi, chúng ta bảo tồn, phát huy di sản nhưng chúng ta không quan tâm đúng mức các nghệ nhân, thì nhiều khi lời nói trở thành nói suông. Vì những nghệ nhân là những người quan trọng, những người sở hữu những giá trị, cốt lõi của loại hình văn hóa dân gian. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, họ có hẳn một chế độ dành cho những nghệ nhân là những báu vật, nhân vật sống. Hay như ở các nước phương Tây, họ không chu cấp tiền hàng tháng cho các nghệ nhân nữa mà họ tạo ra môi trường để các nghệ nhân hoạt động và từ đó nâng cao thu nhập.
GS Thịnh cho biết, ông đã đi nhiều địa phương, gặp được những nghệ nhân rất xuất sắc, nhưng lãnh đạo địa phương ở đó không hay biết gì. Có khi nhà các nghệ nhân đó chỉ cách nhà vị lãnh đạo nọ khoảng chục cây số thôi, nhưng khi hỏi có biết ở đây có nghệ nhân tên thế này không, thì họ trả lời là không biết. Đấy là thực trạng đáng buồn, một sự thờ ơ và là thực trạng rất phổ biến ở nước ta.
Thiết nghĩ, để bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, điều quan trọng hàng đầu là cơ quan chức năng, chính quyền cần tạo điều kiện về cơ chế, vật chất, kỹ thuật cho nghệ nhân trong quá trình sống, làm nghề, truyền bá tri thức và đào tạo thế hệ kế cận. Nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện ngay một chính sách trợ cấp xứng đang cho nghệ nhân, e rằng di sản và các loại hình nghệ thuật có thể còn đấy, nhưng hồn cốt thì đã dần mai một và sớm mất hẳn.
Öng Bùi Trọng Hiền Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian: Đừng “đánh trống bỏ dùi”
Trước tiên nói về mặt quản lý, khi làm hồ sơ tìm giá trị của di sản đó là người ta biết rất rõ rằng, người thực hành những di sản đó là những nghệ nhân, là những báu vật, nhân vật sống của xã hội. Tức là toàn bộ giá trị của di sản đó có được bảo tồn, phát huy hay không là phụ thuộc vào chính các nghệ nhân.
Đằng sau bảo vệ di sản là bảo vệ các nghệ nhân, phải có chính sách đãi ngộ như thế nào cho các nghệ nhân già cũng như các nghệ nhân thế hệ tiếp nối, nhưng những nhà quản lý đã không làm, mà điều này trong dân gian gọi là “đánh trống bỏ dùi”.
Việc làm hồ sơ đệ trình lên UNESCO để được là di sản này kia, thực chất là một việc làm tiêu tốn rất nhiều tiền, chưa kể là người ta còn làm biến tướng, méo mó, nhân rộng như kiểu người người hát quan họ, nhà nhà hát xoan, có tỉnh thì đầu tư 3.500 người hát để lập kỷ lục...
Trong khi đó những hành động thiết thực như bảo vệ làng quan họ cổ, bảo vệ những làn ca trù “sống” thì lại không được quan tâm. Tôi nghĩ, chúng ta nên dừng ngay đổ tiền vào việc lập hồ sơ, di sản mà hãy lập tức có những chế độ, chính sách dành cho các nghệ nhân.
Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Đẩy nhanh tiến độ phong tặng danh hiệu
Về vấn đề quan tâm đến chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để Dự thảo Nghị định Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú sớm có hiệu lực.
Hiện nay chúng tôi đã lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo lần thứ 3 và đầu tháng 5 sẽ có dự thảo mới để tiếp tục xin ý kiến các bộ, ban ngành liên quan. Dự định phải hết năm 2013 công việc này mới hoàn tất, nhưng với tính chất công việc, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh hơn, nhiều bước sẽ được làm song song và tiến hành sớm nhất có thể để chính sách đến sớm với các nghệ nhân.
Khi có nghị định này, các nghệ nhân sẽ được phong tặng danh hiệu, đi kèm với danh hiệu sẽ là các chế độ đãi ngộ tương xứng, hy vọng sẽ giúp các nghệ nhân bớt khó khăn.
L.T - H.H (ghi)
Huy Hoàng