Ông là con thứ 3 trong gia đình có 9 anh chị em. Học hết tiểu học, vì gia đình quá nghèo nên ông phải nghỉ để phụ giúp cha mẹ. 3 năm sau, ông được tiếp tục đến trường, nhưng hết lớp 7 ông lại phải bỏ học đi làm.
Năm 1985, vợ chồng vào Nam kiếm sống. Sau nhiều năm bôn ba nơi đất khách quê người, học được cái mạnh bạo trong cách làm ăn của người dân Nam Bộ và nhận thấy những tiềm năng vùng đất quê hương, ông quyết định cùng vợ con khăn gói về quê. Bãi đất hoang, sình lầy toàn lau sậy dưới chân núi Nưa là nơi mà ông muốn lập nghiệp. “Năm 1991, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, vợ chồng, con cái tôi dắt díu nhau vào vùng đất sình lầy dưới chân núi Nưa, lúc đó đúng là chẳng khác nào cảnh gia đình Mai An Tiêm” - ông Bính nhớ lại.
Ông Lê Bật Bính (trái) trong trang trại của mình. |
Không vốn liếng, không có ai hỗ trợ, ông chỉ có niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng. “Suốt 4 năm đầu, cả gia đình tôi chỉ sống nhờ vào khoai, sắn. Nhớ nhất là tết năm 1992, khi mọi nhà nô nức mua sắm thì cả nhà tôi vẫn đắp đập, kè bờ. Khổ tâm nhất là khi nghe con trai út hỏi: Sắp đến tết chưa bố? Nhiều lúc thấy vợ con khổ quá, tôi muốn bỏ cuộc cho rồi”- ông Bính kể.
Sau bao năm cơ cực, cuối cùng mảnh đất sình lầy, lau sậy ấy đã được thay thế bằng màu xanh của lúa, ngô, khoai, sắn; tiếng gà vịt, tiếng lợn kêu át tiếng ếch nhái côn trùng. Hiện, trang trại của ông rộng 42,8ha (20ha diện tích mặt nước), ở đó có 24ha rừng keo lá tràm sắp đến kỳ thu hoạch, hơn 30 con lợn nái, gần 200 con lợn thịt, 50 con lợn Móng Cái; 4.000 con vịt đẻ; ao cá mỗi năm thu hàng trăm tấn cá; 1.500 cây bưởi Diễn; 2.000 cây nhãn; 3.000 gốc chanh tứ quý; 2.000 bụi chuối; 500 cây mít Thái... Trang trại tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 20-25 lao động thời vụ, với lương 3-5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, lãi ròng từ trang trại hơn 1 tỷ đồng.
Hoài Thu - Hồng Đức