Là một người thích uống trà, thưởng thức những hương vị trà từ các miền khác nhau, cũng là một người đi nhiều, ông Lê Hạc (SN 1935, trú tại phường Quang Trung, thành phố Thanh Hóa) nghiệm ra rằng chiếc ấm pha trà là món đồ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Vậy là trong những chuyến đi của mình, ông bắt đầu để ý sưu tầm những chiếc ấm trà.
Biệt danh "vua ấm" là do những người đã từng chứng kiến "dinh thự ấm trà" của ông đặt cho. Cho đến nay, sau 45 năm "săn" ấm trà, ở cái tuổi 74, ông Lê Hạc đã sưu tầm được gần 2.000 chiếc ấm đủ các loại. Ông cho biết, có những chiếc ấm từ thời có từ thời Lý, Trần ở Việt Nam, có những chiếc âm từ thời Đông Hán, Tây Hán ở Trung Quốc.
Căn nhà của ông mỗi năm lại thêm chật hẹp bởi từ một chiếc tủ bốn ngăn, nay đã lên đến 9 chiếc tủ, chỉ để đựng và bảo quản ấm trà. Gần 2.000 chiếc ấm nhưng không chiếc nào giống chiếc nào, có đủ loại chất liệu như ấm sắt, ấm sành, ấm nhôm, ấm gỗ, ấm thuỷ tinh, ấm nhựa, ấm đồng… Đặc biệt, ông còn có cả đôi ấm song sinh cỡ lớn (20 lít).
Đặc sắc trong bộ sưu tập còn có 400 chiếc ấm "ngoại quốc" được ông Hạc mua về từ Trung Quốc, Nhật, Pháp… Có những chiếc ấm cổ và rất quý (có người đã trả tới 1.000 USD/chiếc) song cũng có những chiếc ấm rất giản dị, chỉ vài năm tuổi, trị giá khoảng vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Về kích thước, có những chiếc ấm chỉ nhỏ bằng ngón chân cái như bộ ấm thời Lý, Trần, song lại có những chiếc lớn hơn cái thúng đấu, được xem như cặp "song sinh" mà ông phải vất vả hơn một tháng mới thuyết phục được chủ nhân để mua.
Có những chiếc ấm không hề có giá trị sử dụng dùng để uống nước, uống trà thông thường nhưng đối với ông Hạc thì đó là một tác phẩm nghệ thuật, bởi nó cũng toát lên đường nét và màu sắc văn hóa, nghệ thuật riêng.
Tất cả được ông xếp theo từng niên đại, từ to đến nhỏ. Đứng trước bộ sưu tập ấm trà quý mà ông dày công hàng mấy chục năm săn tìm, ông say sưa thuyết trình, tự hào, mê say như một người cha đang nói về những đứa con của mình.
Chẳng phải thế mà đã có rất nhiều khách trong và ngoài nước đến để hỏi mua "gia tài ấm" của ông với giá hàng tỷ đồng nhưng ông nhất định không bán. Ông bảo, cả đời ông, những chiếc ấm này là gia tài lớn nhất, là đứa con tinh thần của ông. Nếu bán chúng đi là coi như bán cả cuộc đời mình rồi.
Trong số ấm trà ông sưu tập được, có những chiếc ấm đã qua tay nhiều đời chủ nhân, ở vào những thời khắc khác nhau. Ở bất kể thời nào dường như đều giống nhau ở sự cẩn thận và nghiêm trang đối với thú vui tao nhã của thuật uống trà, những chiếc ấm vẫn còn nguyên vẹn hình hài, nắp đậy lọt nhẹ nhàng vào gờ ấm kín khít, dẫu thành ấm đã đóng một lớp cao trà dày dặn, chứng cứ của biết bao lần thưởng thức trà giữa những tao nhân mặc khách.
Sẽ là vô duyên nếu hỏi ông về sự gian nan trong quá trình sưu tập những ấm trà kia, nhưng cứ nhìn chúng đang được bày la liệt với đủ mọi kiểu dáng, màu sắc khác nhau cũng đủ hình dung dấu chân của người sưu tập trên mọi nẻo đường đất nước..
Ông Hạc bộc bạch: "Tôi thích sưu tầm ấm bởi chỉ có ấm mới có nhiều đường nét, nhiều hướng thể hiện và vì thế mới nói hết tài năng của người làm ấm. Còn những vật dụng khác như đĩa, chén, bát… thì ít kiểu dáng vàít sáng tạo hơn".
"Ở một vài nước như Trung Quốc, Nhật Bản, trà thậm chí đã trở thành một thứ "đạo", kèm theo lễ nghi cầu kỳ để con người có thể đón nhận nó bằng đủ mọi giác quan và cảm xúc trân trọng nhất. Tại Việt Nam, trà cũng đã phổ biến từ hàng ngàn năm nay, thế nhưng, việc sử dụng trà một cách mộc mạc dân dã cũng là một "văn hoá trà" của người Việt", ông Hạc chia sẻ.