Dân Việt

“Ma lai” khốn khổ

18/08/2010 14:40 GMT+7
(Dân Việt) - Chuyện “ma lai - thuốc thư” ngỡ đã lùi xa vào quá khứ thì nay lại rộ lên ở Ia Tiêm - một xã chỉ cách thành phố Pleiku (Kon Tum) hơn 20km… Mà chẳng phải “bỗng dưng”, hủ tục này đã tồn tại ở đây như một cái “dớp”...
img
Ông Pi và cháu nội bên ngôi nhà mới được dựng lại.

Hoạ từ miệng

Trong căn nhà mới đắp táp lại một cách vội vàng, ông Kpuih Pi ngồi bất động, gương mặt nhàu nhĩ như mới qua trận ốm. Tiếng gõ cửa bất chợt làm ông giật mình. Nhận ra chúng tôi không phải người làng, đôi mắt ông mới thôi nhớn nhác. Tôi hiểu tai hoạ đã khiến ông như chim phải một lần tên…

“Cách đây mới gần một con trăng, làng A Mo gặp chuyện buồn. Bà Kpuih Phing Yang mới được 65 mùa rẫy, chỉ vì tức thằng con “người ở nhà mà cái miệng để ngoài quán rượu”, nói mãi nó cứ như người không tai, bà đã mua thuốc sâu về uống… Mấy con trăng trước, Pi cũng có chuyện xích mích với bà Khoi – em ruột Yang nhưng chuyện đó thì có liên quan gì đến Yang đâu.

Trong quan niệm mê tín của người Jrai xưa “ma lai” là một thứ ma không có hình thù cố định, hay ám vào những người mang họ Rơ Lan, Kpuih. Người có “ma lai” sẽ làm ra “thuốc thư”, ghét ai thì bỏ cho người đó đau ốm mà chết. Người bị nghi ma lai bị cộng đồng xa lánh, bị đuổi ra khỏi làng, thậm chí bị giết cả nhà.

Mà nếu có, mình đến viếng cũng coi như lời xin lỗi… Thề có Yàng, không đụng một giọt rượu, thế mà cái lưỡi lại bỗng dưng bật ra “Mình cứ tưởng Khoi chết, hoá ra là Yang sao?”. Chỉ nghe có vậy, họ nhà Yang đã nhảy ra.

Người chửi, người túm áo đẩy Pi xuống cầu thang. Tức muốn nôn hết ruột nhưng cũng đành lủi thủi ra về. Cãi lại họ lúc này khác nào bỏ thêm tranh khô vào cái bếp đang cháy” - Kpuih Pi kể…

Chuyện là thế này: Pi có một miếng rẫy cà phê cạnh rẫy Khoi. So hai rẫy cứ như đứa con gái đứng bên bà già, là vì Pi chịu bỏ sức làm. Một hôm Khoi bảo: “Rẫy của Pi nhiều cà phê quá sao không chia bớt cho mình?”. Nghe cái giọng không ra đùa mà lại hậm hực, đang mệt, bực mình Pi nói lại hơi nặng lời, thế là cãi nhau…

Bụng vô tư nên mấy ngày sau Pi cũng quên, ai ngờ hôm sau về Khoi bị đau. Đi bệnh viện khám, bác sĩ bảo đau thận, thế nhưng Khoi vẫn như người lạ đường thấy cái ngã ba… Biết chuyện Puih Ét đến bảo: “Vậy là mày bị thằng Pi nó bỏ thuốc thư”. Đang ấm ức trong bụng Khoi tin ngay. Chuyện đã vậy lại thêm miệng Pi nhầm tên người chết nên mọi người bảo rõ Pi là “con ma lai” muốn làm Khoi chết !

Nhưng việc đâu chỉ dừng lại đó… Chiều, Pi đang ngồi buồn nghĩ chuyện lúc sáng thì bỗng nghe tiếng hô hét trước cửa nhà. Ngó ra, Puih Ét với hơn hai chục người tay dao tay gậy xông vào. Ét chỉ mặt Pi: “Mày là con ma lai! Mày đã bỏ thuốc thư làm Khoi đau, bây giờ lại làm chị nó chết”.

Pi chưa kịp nói lại lời nào, họ đã xông vào phá nhà. Tôn đóng vách bay như lá gặp bão. Nồi niêu bẹp lép. Hai chiếc ghè quý con trai phải đổi hai con bò cũng bị đập tanh bành… Trước lúc ra về Ét còn bảo: “Mày phải đền cho làng 25 triệu đồng để cúng Yàng giải cái thuốc thư đi, nếu không cả nhà mày sẽ bị giết chết!”.

Một người làm “ma” cả nhà lãnh đủ

Ông Kpuih Pi chỉ là một trong hàng chục “con ma lai” khốn khổ ở xã Ia Tiêm… Ông BYêng ở làng Khối Zét - một trong những nạn nhân ấy đã kể cho tôi nghe việc mình trở thành “con ma lai” oan uổng như thế nào…

Buổi chiều hôm đó BYêng đi uống rượu về. Đến gần làng thì gặp bà Then đi ngược lại. Hơi men đã làm BYêng xởi lởi nên vỗ mạnh vào vai Then mà cười: “Mạnh khoẻ chớ?”. Then khoặm mặt, cố tránh mà không kịp.

Chẳng phải cử chỉ BYêng có gì quá đáng mà bởi khá lâu rồi, người làng đã nghi BYêng có thuốc thư… Đang vừa đi vừa lo, bỗng nhiên Then thấy nổi cơn đau bụng. Không ăn gì lạ, sao lại thế này!? Thôi chết, mình đã bị lão BYêng bỏ “thuốc thư”. Ba chân bốn cẳng, Then cố chạy mau về nói để chồng hay…

BYêng bị làng nghi “ma lai”, chuyện bắt đầu từ cái cột rào… Rẫy BYêng với Rơ Lan Bêh vốn ở sát nhau. Thấy cái cột làm mốc lâu ngày đã mục, BYêng chặt cây khác thay vào, thế nào lại cắm chệch chỗ cũ mấy gang tay.

Rơ Lan Bêh ngang qua thấy vậy bảo: “Rẫy mày rộng mà cái bụng mày lại hẹp, định ăn cắp thêm đất tao nữa hay sao?”. “Chà, mình chỉ vô tình mà nó nhiếc mình đau thế!”. Không kìm được, BYêng rủa lại: “Cái lưỡi mày thích nói trắng thành đen, thế nào Yàng cũng bắt mày chết cho coi!”

img
Căn nhà của ông BYêng bị đập phá tan hoang.

Tức lên thì nói cho hả giận, nào ngờ Bêh chết thật. Thực ra Bêh vốn đau ốm ròi rọp đã lâu. Lên bệnh viện huyện khám, bác sĩ bảo bị ung thư xương giai đoạn cuối. Thế nhưng họ hàng vẫn không tin, nghĩ chỉ tại BYêng bỏ thuốc thư mới chết mau như vậy…

Việc đang âm ỉ thì tiếp đó làng lại thêm hai người chết là con gái ông Nhi và Siu Tin, trưởng thôn. Con ông Nhi chết là do sốt rét, còn ông Tin thì bị ho lao. Bác sĩ đã cho giấy nói rõ như vậy nhưng nó chẳng làm vơi sự ấm ức của ai, trái lại chỉ tích cho nặng thêm…

Và bây giờ lại thêm việc bà Then. “Không phải tại con ma lai, sao trong làng lắm người chết thế!? BYêng không phải ma lai mà chửi ai thì người ấy chết, đụng ai thì người ấy đau!?”. Chỉ cần nghe vợ nói thế, Kpuih Hơt lập tức cầm gậy “phi” đến nhà BYêng. Không dám kêu, không dám chống, BYêng cứ ngồi mà “chịu trận”. May đứa con trai ở bên nghe tiếng Hơt quát tháo chạy đến giằng ra…

Mười ngày sau, đoàn người phải cả trăm, tay dao tay gậy kéo đến nhà BYêng. Chắc là có Yàng giúp, BYêng mới kịp chạy khỏi nhà… Nấp kín trong bụi, nhìn vào ngực vẫn như có cây gỗ nặng đè… Cái nhà bán cà phê mấy năm, bán đến bò mới có được, chỉ chớp con mắt đã thành một đống ngói tôn lẫn lộn… Chưa hả dạ, đoàn người còn kéo sang phá nát nhà của 3 người con BYêng.

Thiếu… thuốc giải!

Những năm gần đây “ma lai - thuốc thư” đã bị đẩy lùi, cả với những làng vùng sâu vùng xa. Thế nhưng, điều nghịch lý là Ia Tiêm - một xã kế ngay thành phố Pleiku vẫn tồn tại hủ tục này một cách dai dẳng.

Ông Lưu Hồng Quế - Bí thư Đảng uỷ xã Ia Tiêm khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo các ban ngành tiến hành không biết bao nhiêu đợt tuyên truyền vận động, giải thích cho bà con hiểu “ma lai - thuốc thư” chỉ là một hủ tục mê tín, không có căn cứ khoa học.

Những người tham gia vào các vụ “ma lai” bị kiểm điểm, chất vấn cũng thừa nhận chưa ai biết “thuốc thư” là gì, chưa một lần nhìn thấy mặt mũi thuốc ấy ra sao. Thế nhưng người ta cứ giữ trong đầu niềm tin mơ hồ và hễ cứ gặp dịp là lại dựng lên một nạn nhân oan uổng…

Dân trí thấp đã khiến niềm tin “ma lai” tồn tại như một cái “dớp” ở vùng đất này. Tuy nhiên những kẻ cầm đầu thì không “dân trí thấp” chút nào. Họ đã lợi dụng niềm tin ngây thơ của số đông để kiếm chác.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà những người bị vu “ma lai” hầu hết đều có đời sống khá. Thế nhưng vụ ông BYêng, mặc dù đã xác định được 15 đối tượng cầm đầu, việc xử lý cũng chẳng đến đâu. Cho đến vụ ông Pi, bây giờ cũng chưa thấy huyện Chư Sê có biện pháp xử lý!

Và như thế tôi nói với ông Kpuih Pi rằng có lẽ cũng nên gạt nước mắt. Chắc hẳn ông chưa phải là “con ma lai” cuối cùng ở cái “ốc đảo” này…