Đội người thồ lên bãi . |
Vắt sức lấy “trâu”
Sau một đêm ngủ mê mệt vì phải di chuyển liên tục suốt 17 tiếng đồng hồ không nghỉ từ Hà Nội đến bản Mà Xa Phìn, tôi tỉnh giấc lúc 6 giờ sáng. Mò được đến con dốc đầu bản tôi chui vào một cái quán để mua mấy gói bánh ăn đường. Đây là quán của một bà chủ tên Hái, người dưới Yên Bái lên đây mở “trạm tiếp viện” cho bãi vàng từ 4 năm nay. Cứ sáng ra, bà Hái lại điều người ở bản Xa Phìn đến để gùi hàng lên bãi với giá trung bình 5.000 đồng/kg.
Trong quán có khoảng 30 người đang cầm gùi đợi bà chủ Hái phân hàng. Cả đám người thồ tuần tự khoác gùi chất hàng lên lưng rồi cặm cụi vượt dốc.
Sau hơn một tiếng bám theo đoàn người thồ này, tôi đã bắt chuyện được với một “phu” tên Giảng. Hắn cho biết, suốt từ 4 năm nay, đàn ông cả bản Xa Phìn này đều đi gùi hàng cho bãi vàng, ruộng nương chỉ có đàn bà làm. Đi gùi hàng lúc nào cũng tiền tươi thóc thật, chứ làm ruộng thì lâu lắm.
Câu chuyện mới bắt đầu thì cả đoàn đã đến chỗ nghỉ chân. Đặt bịch chiếc gùi có 40kg gạo xuống, Giảng nói: “Nghỉ để vượt thác, mày đi dép cẩn thận đấy, tháng trước có thằng đi từ bãi vàng xuống, lúc qua thác nước chảy đá trơn, trượt chân ngã chết đấy!”.
Tuy gùi hàng nặng nhưng ai cũng tỏ ra vội vàng, họ vượt thác như những con sơn dương trèo núi. Tôi tháo dép bò bằng 4 chân, qua được vách đá thì đám người thồ đã đi mất dạng. Mất hoa tiêu đành một mình men theo đường mòn để tìm đến bãi vàng.
Sau 2 giờ đồng hồ men theo đường mòn tôi như lạc vào một… thành phố trên núi. Có đến 300 căn lán lớn nhỏ cùng với cả chục quán hàng được dựng lên. Quán nào quán đó bị đám người thồ chiếm hết. Họ ngồi vạ vật khật khừ như đang phê thuốc phiện.
Tôi đang hỏi đường lên chỗ sạt đất vùi chết 7 người thì giật mình bởi một tiếng gọi: “Vào ăn trâu đã!”. Nhìn kỹ, đó là Giảng. Hắn đang một tay cầm bật lửa một tay cầm giấy bạc, trên giấy có một viên màu trắng to bằng hạt đậu xanh. Đoán là hắn chuẩn bị “vào thuốc” nhưng tôi vẫn chui vào.
Giảng thân tình chia tờ giấy bạc có thuốc sẵn và chiếc bật lửa về phía tôi. Giảng bảo: “Ăn “miếng trâu” đi cho lại sức, leo dốc mệt lắm mà!”. Thấy Giảng nhiệt tình, tôi đành nói cứng: “Tao bỏ lâu rồi, chơi lại mệt lắm!”.
Hắn cười bảo: “Ở bãi vàng này sớm muộn mày cũng ăn thôi. Bọn tao phải ăn cái này vào mới chắc cái chân, nhiều cái sức để gùi được hàng chứ. Bản tao đàn ông đứa nào cũng vậy, mà mỗi ngày phải hết 100 nghìn tiền “làm trâu” đấy!”.
Sau một ngày ở bãi tôi mới vỡ lẽ dân ở đây gọi thuốc phiện là trâu đen, có giá phổ thông 350.000 đồng/chỉ, heroin là trâu trắng, có giá 50.000 đồng/gói.
Cá lớn nuốt cá bé
Ở đâu có bãi vàng ở đó có người Bắc Thái cũ, câu nói đó đã được các bãi vàng khắp trong Nam ngoài Bắc từ Việt Nam đến nước bạn Lào, ai cũng biết. Bởi cái tài tìm vàng của người Thái Nguyên, Bắc Kạn. Họ cứ đến đâu là dân đào đãi nhỏ lẻ phải bỏ bãi chạy trốn tới đó bởi không chịu nổi sức ép của… tiền.
Không dữ tướng, cũng chẳng hễ mở miệng là chửi thề, “tướng” Việt, 54 tuổi, người Đồng Hỷ, Thái Nguyên vẫn được dân bờ bãi ở đây liệt vào dạng “chiếu trên”. Sau một trận rượu long trời lở đất cùng 17 “bưởng” vàng tại bãi, “tướng” Việt kể: “Tính đến năm nay anh đã có 32 năm làm vàng. Hầu như những bãi dầy hàng như Ma Lu, (Bắc Kạn), Phong Thổ (Lai Châu), hang Xú (Yên Bái) anh đều đã chinh chiến tới lúc kiệt mới đi!”.
Theo “tướng” Việt, muốn làm vàng thì phải “dày đạn” bởi nghề vàng cũng may rủi như đi “mở bát”, một mười một tịt.
“Nếu quân Thái Nguyên bọn anh chỉ xuất hiện ở đây 2 năm là bọn làm giếng hết đường sống. Bọn anh làm địa đạo sớm muộn gì cũng cắt hết vỉa, bao nhiêu nẹp dọn sạch, làm tất, lấy đâu ra cửa cho bọn nó nữa. Vì làm giếng chỉ đến độ sâu khoảng 80m là cùng, còn làm địa đạo thì bọn anh có thể khoét hàng cây số đường trong lòng núi.
Khi có vàng rồi bọn anh sẽ đẩy toàn bộ công xá, xăng dầu lên cao, làm cho quân bỏ giếng vào hầm làm hết, các chủ giếng chỉ cần 2 năm không theo được sẽ tự động bỏ bãi mà đi vì càng làm càng lỗ, hết lực thì sập tiệm” - “tướng” Việt tiết lộ mánh khoé làm ăn của mình.
(Còn nữa)
Gia Tưởng