Dân Việt

Thâm hụt ngân sách vì hàng loạt... sinh viên giả

19/08/2010 06:44 GMT+7
(Dân Việt) - Chính quyền Long An lại đau đầu vì hàng loạt cán bộ dùng bằng giả đi học đại học bằng ngân sách nhà nước. Số tiền lớn mà tỉnh chi ra để “chuẩn hoá” cán bộ sắp tới chưa biết sẽ thu hồi ra sao.

Ôm bằng giả đi học đại học

Theo tìm hiểu của NTNN, các đối tượng dùng bằng giả thuộc diện “cán bộ nguồn” sau khi nộp bằng giả cho tổ chức đã được đưa vào diện quy hoạch, được huyện cho đi học bằng ngân sách. Trong số các huyện đưa cán bộ đi học đại học, huyện Tân Thạnh đứng đầu khi có đến 12 cán bộ ôm bằng giả nộp cho Trường Đại học Đà Lạt (liên kết với Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An) và 5 lớp đại học khác ở huyện Mộc Hoá, Tân Hưng, Châu Thành và huyện Cần Giuộc.

Sau khi vụ bằng giả bị phát hiện, các cán bộ ở huyện Tân Thạnh đã nộp đơn cho trường với lý do “bận việc cơ quan” rồi đồng loạt nghỉ. Ở khoa Xã hội học và Công tác xã hội (Đại học Đà Lạt, mượn trụ sở bồi dưỡng chính trị của huyện Mộc Hoá làm lớp học) có tổng cộng 71 sinh viên đang học năm thứ 2. Đến nay, 5 sinh viên của huyện Tân Thạnh đã nghỉ.

Ths.Vũ Mộng Đóa – Phó trưởng khoa Xã hội học và Phát triển cộng đồng Đại học Đà Lạt xác nhận, các sinh viên là cán bộ ở huyện Tân Thạnh khi nộp hồ sơ cho nhà trường đều là bằng thật nên trường mới nhận. Nếu các đối tượng này chưa có bằng thì không đủ điều kiện nhập học, kết quả của 4 học kỳ không được bảo lưu.

Tại trường dạy nghề khu vực Đồng Tháp Mười, một trường đại học ở TP.HCM cũng mượn địa điểm để đào tạo khoa nông lâm cho hàng chục cán bộ khác. Một số sinh viên ở huyện khác dù xài bằng giả vẫn còn đang đi học

Lấy tiền ngân sách đi học

Trong các địa phương phát hiện có bằng giả, Bắc Hoà (huyện Tân Thạnh) là xã dẫn đầu với 5 sinh viên “giả” nhờ xài bằng giả. Đáng nói là trong 5 người này có vợ chồng ông Phó bí thư Đảng uỷ Nguyễn Văn Sinh và vợ là cán bộ Uỷ nhiệm thu Huỳnh Thị Kim Cúc. Những người còn lại là Bí thư Đảng uỷ xã Đỗ Văn Xi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Giác…

Tại xã Nhơn Hoà (huyện Tân Thạnh), hai lãnh đạo cao nhất là Bí thư Đảng uỷ Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Kiếm đều xài bằng giả. Ở xã Tân Bình kề bên, Bí thư Đảng uỷ Trần Văn Sói cũng xài bằng giả…

Điều đáng nói là số cán bộ thuộc diện “quy hoạch” được huyện đưa đi học đều được hỗ trợ 100% học phí (từ 4,5 – 5,5 triệu đồng/năm). Mỗi quý các cán bộ này học khoảng 2 tháng, công việc đều giao cho người khác gánh vác. Sau khi vụ bằng giả bị phanh phui, số sinh viên này đã nghỉ học nhưng tiền ngân sách đã bỏ ra để cán bộ đi học thì không biết sẽ phải thu hồi như thế nào…?

Một sinh viên biến mất!

Mấy ngày qua, 65 sinh viên lớp CPK33LA (khoa Xã hội học - Công tác xã hội Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An liên kết với Đại học Đà Lạt) xôn xao vì một "sinh viên giả" bỗng dưng… biến mất. Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, "sinh viên" Nguyễn Thanh Bình - Phó Bí thư xã Bình Hoà Đông (huyện Mộc Hoá) là một mắt xích trong đường dây mua bán bằng giả đã tự động bỏ cơ quan và rời khỏi địa phương do lo sợ bị công an mời lên làm việc.