Dân Việt

Di dân - bài toán nan giải

19/08/2010 19:45 GMT+7
(Dân Việt) - Trên 2,6 vạn hộ dân cần phải di dời khỏi vùng lũ quét sạt lở thực sự là bài toán rất khó đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Vậy đâu là nguyên nhân?
img
Lũ quét khiến nhiều nhà dân tan hoang.

Thiếu quỹ đất tái định cư

Hà Giang là tỉnh có số hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm lũ quét, sạt lở lớn nhất. Theo Sở NN&PTNT Hà Giang, tổng số hộ dân phải di dời là trên 17.000 hộ. Nhưng đến thời điểm này, sau gần 5 năm thực hiện (2006-2010), tỉnh mới chỉ di dời được trên 1.000 hộ. Theo kế hoạch 5 năm tới, tỉnh này sẽ phải di dời gần 16.000 hộ dân còn lại.

Từ năm 2006-2015 số hộ dân phải di dời cao gấp 8 lần so với giai đoạn 2000-2005. Nếu như năm 2006, nhu cầu về kinh phí chỉ cần 182 tỷ đồng, thì đến năm 2010, nhu cầu về kinh phí dành cho di dân đã tăng lên 1.167 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, ông Hoàng Văn Đế - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang nhận định: “Vấn đề này dường như không thể thực hiện nổi. Việc di dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét còn gặp vô vàn khó khăn. Quỹ đất tái định cư và đất sản xuất để bố trí cho dân thiếu trầm trọng”.

Theo phân tích của ông Vũ Đình Mạnh - Phó phòng Quy hoạch và Bố trí dân cư (Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Hà Giang): “Trong suốt 5 năm thực hiện di dân, đã xảy ra trường hợp nhiều vùng dân cư sau khi chuyển đến nơi ở mới được một thời gian ngắn thì họ đồng loạt quay về chỗ cũ vì không có đất sản xuất, người dân không biết làm gì để tồn tại”.

Không chỉ Hà Giang, các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng... cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Ông Mai Mộng Tuân - Chi cục trưởng Chi cục HTX và Phát triển nông thôn Yên Bái cho rằng: “Yên Bái cần phải di dời khoảng 7.000 hộ dân ra khỏi vùng lũ quét sạt lở. Tuy nhiên sau gần 5 năm tỉnh mới chỉ di dời được 900 hộ. Quỹ đất để bố trí cho các thôn, điểm dân cư mới cũng như hộ gia đình còn rất ít để quy hoạch thành vùng tập trung”.

Thiếu gần 2.000 tỷ đồng để di dời

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, qua hơn 4 năm triển khai, công tác di dân, phòng tránh lũ quét sạt lở đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó vấn đề chính là thiếu vốn. Giai đoạn 2006-2010, theo ước tính nhu cầu vốn cần 3.069 tỷ đồng, nhưng đến năm 2010, mới bố trí được 1.240 tỷ đồng. Trong khi đó số hộ dân cần phải di dời khỏi vùng nguy cơ thiên tai liên tục tăng nên kinh phí di dời cũng đội lên rất nhiều.

Theo đánh giá của ông Lê Thanh Dự - Sở NN&PTNT Lào Cai, “mức hỗ trợ di dân hiện này vẫn còn quá thấp, Từ năm 2008, mức hỗ trợ nâng từ 5 triệu đồng lên thành 10 triệu, nhưng với chừng ấy tiền để di chuyển chỗ ở đã khó rồi chứ đừng nói đến ổn định cuộc sống.

Theo tính toán của chúng tôi mỗi hộ cần được hỗ trợ 30 triệu đồng thì mới có thể ổn định cuộc sống được. Đây là khó khăn lớn nhất khiến công tác di dời vẫn cứ mãi chậm chạp, ì ạch. Bên cạnh những vướng mắc về kinh phí và quỹ đất, việc cảnh báo thiên tai lũ quét, phân vùng nguy cơ lũ quét đã thực hiện nhưng mức độ chính xác còn hạn chế, chưa thể sử dụng để quy hoạch phòng tránh cũng như chỉ đạo, điều hành phòng tránh.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đề nghị nhà nước cần sớm đầu tư lắp đặt các hệ thống cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các vị trí có nguy cơ cao để người dân chủ động trong việc sơ tán khi mưa lớn xảy ra…