Nhân và mẹ đang làm thuê hàng mây cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ. |
Chúng tôi tìm đến nhà Nhân ở tổ 1 thôn Liễu Trì, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, Quảng Nam vào buổi trưa, tận mắt chứng kiến mẹ con Nhân và bà ngoại sống lay lắt trong căn nhà xập xệ, tồi tàn mà không kìm được lòng.
Thấy chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Trực, 80 tuổi, bà ngoại Nhân sụt sùi khóc: “Nghèo gì mà ác vậy cháu, sinh ra liền bị cha bỏ rơi. 18 năm nay hai mẹ con nó không xây nổi một túp lều để ở mà phải sống chung với thân già tật nguyền này, chứ nói chi đến tiền cho con học đại học”.
Lâu nay, công việc hàng ngày của gia đình Nhân là nhận hàng mây, tre về nhà làm, mỗi ngày được khoảng 35.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Thuận, mẹ Nhân cũng khóc: “Tôi bị bệnh hiểm nghèo không biết sống chết ra sao, còn bà ngoại nó lại bị tật nguyền đi đứng rất khó khăn. Nghề làm gia công mây, tre cho người ta bữa đực bữa cái, mỗi tháng chỉ làm được 15 ngày. Hàng xóm thương tình cho củ khoai, ang lúa sống tạm qua ngày”. Chính vì vậy, mọi công việc nặng nhọc trong gia đình đều do một tay Nhân lo.
Nhân tâm sự: “Mẹ và bà ngoại đau nặng vậy, em phải tranh thủ một buổi đi học, một buổi làm mọi công việc nặng nhọc trong gia đình. Kỳ thi đại học vừa rồi, em định không thi bởi tiền ăn uống, chi tiêu hàng ngày của gia đình còn không có, huống hồ... Nhưng rồi bà ngoại và mẹ động viên miết, em mới nộp hồ sơ thi vào hai trường Đại học Y Huế và Đại học Bách khoa Đà Nẵng và đậu cả hai trường với 22,5 điểm và 23,5 điểm”.
“Không đậu đại học cũng buồn, nhưng đậu lại buồn hơn. Gần đến ngày nhập học rồi mà gia đình em không có một đồng nào cho em làm hồ sơ nhập học. Có khi em phải gác lại ước mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và bà ngoại”, Nhân nói.
Thu Nguyệt