Dân Việt

Nghĩ về cái kho?

20/08/2010 15:46 GMT+7
(Dân Việt) - "Của ăn của để" là ước mơ lâu đời của nông dân. Ngày xưa nông dân mình nghèo, đủ ăn đã khó, nói gì chuyện để. Ngày nay nông dân chưa giàu nhưng cũng đã khá hơn trước nhiều.

Nhà nước lại có kho dự trữ quốc gia, nó giống như hồ nước điều hòa thủy lợi, mua vào bán ra để ổn định giá thị trường. Nông dân chỉ lo nghèo, chứ đa số không lo đói.

Cuộc sống dựa vào nông nghiệp luôn có nhiều chuyện bất ngờ. Tôi nhớ đến cái kho của ông bà tôi. Quê tôi là vùng đất lắm thiên tai khắc nghiệt. Thời đó chỉ chắc ăn một vụ lúa, vụ còn lại như trứng treo đầu đẳng. Mưa to hai ngày là của trời cuốn hết của nhà ra sông ra biển. Nhưng nhiều nhà nông dân, trong đó có ông bà tôi, không bao giờ "đứt bữa".

Bởi vì, nhà ngang của ông bà có cái "lậm" chứa cót thóc và mấy bồ khoai khô. Bà tôi thỉnh thoảng lại "báo cáo tài chính" trong bữa ăn: "Năm nay cố 5 thúng thóc nữa là đầy cót" hoặc: "Cót nhà mình đầy rồi"...

Hai năm nay, thiên tai lớn trên thế giới. Nga, Canada, cả Úc nữa lao đao vì mất mùa, lên tiếng hạn chế xuất khẩu nông sản. Lại có lời cảnh báo khủng hoảng, mất an ninh lương thực. Các nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc có vẻ bình chân như vại vì riêng Trung Quốc đã dự trữ được 40 triệu tấn gạo, Ấn Độ 20 triệu. Mỹ thì còn 30 triệu tấn lùa mì trong kho.

Vì thế các chuyên gia của FAO cho rằng, sẽ không sợ thiếu lương thực. Vấn đề là tiền mua và vận chuyển mà thôi... VN ta đang xuất khẩu gạo. Chúng ta không biết nhà nước dự trữ được bao nhiêu tấn lúa, gạo, nhưng tại sao chỉ trông chờ vào kho nhà nước?

Tại sao mỗi hộ nông dân không có một cái kho của mình để trước là đủ ăn, sau là cất lương thực lúc bị ép giá, bán ra lúc thấy có lợi nhất hay cần tiền? Khả năng dự trữ trong 20 triệu hộ gia đình có thể lên tới 20 triệu tấn thóc, bằng số dự trữ của Ấn Độ là trong tầm tay.

Tại sao bây giờ chúng ta ít thấy trong mỗi nhà nông dân có một cái kho nho nhỏ nhưng tác dụng bảo hiểm lại rất lớn như cái kho thời xưa nhỉ?