V.League đang ngày càng có giá với các nhà đài. |
Đây là tin vui với bóng đá Việt Nam (BĐVN), nhưng...
Lợi thì có lợi...
Trong khoảng chục năm gần đây, BĐVN đã có những bước tiến đáng kể. Việc ĐTQG vô địch AFF Cup 2008, Bình Dương lọt tới bán kết AFC Cup 2009, SHB. Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội tạo nên cú sốc mới ở AFC Cup 2010... đã góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh V.League và BĐVN trên đấu trường quốc tế.
Khi VFF đã đạt được thoả thuận trong việc bán độc quyền hình ảnh của ĐTQG và đội Olympic trên phạm vi quốc tế (trên lãnh thổ Việt Nam, VFF vẫn giữ bản quyền) cho MP & Silva trong 6 năm (2010-2016), thì chuyện bán bản quyền truyền hình V.League tất yếu sẽ tới trong tương lai gần.
Làm được điều đó, VFF sẽ có thêm khoản kinh phí không nhỏ để trang trải các hoạt động, trong đó có công tác đào tạo trẻ, đầu tư ngược lại cho V.League, các ĐTQG... thay vì phải bận tâm với những gói hợp đồng nhỏ lẻ ký kết với các đài trong nước. Vấn đề là nên lựa chọn bán độc quyền theo hình thức nào, giá cả ra sao, và thời gian bao lâu mà thôi.
Theo Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, lý do khiến AVG đề nghị khoảng thời gian kéo dài hợp đồng là 20 năm vì trong quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 của Việt Nam, thì đến năm 2015, các đài sẽ phải chuyển sang công nghệ số (digital), thay vì analog như hiện nay. Để bù đắp lại khoản đầu tư lớn phục vụ việc chuyển đổi, AVG cần phải có thời gian dài để thu hồi vốn, trước khi sinh lãi.
Ở góc độ đó, dù muốn nhưng VFF cũng khó thuyết phục đối tác rút ngắn thời gian hợp đồng. Còn nếu chiều theo đối tác, thì e bị "hớ" khi thương hiệu V.League ngày càng lên: "Quá trình thoả thuận vẫn đang diễn ra nhưng không việc gì phải vội vàng cả. Vẫn còn một số vướng mắc giữa hai bên, và cần thêm thời gian để tìm tiếng nói chung" - ông Dũng nói.
Coi chừng nhiều hệ lụy
Cái khó đôi khi không nằm ở việc các đài lớn trong nước như: VTV, VCTV, HTVC, VTC... sẽ phải "lụy" AVG để có sóng V.League (trong trường hợp AVG đã có bản quyền), với những cái giá "khó chịu", ở góc độ liệu các đài địa phương có chịu chi (và có kinh phí) để có hình ảnh V.League phục vụ người hâm mộ tỉnh nhà hay không? Một trong những lý do chính để các doanh nghiệp đầu tư vào làm bóng đá thời điểm này chính là đánh bóng thương hiệu. Họ muốn thương hiệu của họ đến với đông đảo người dân.
Khi diện tích "phủ sóng" bị thu hẹp bởi các đài địa phương không có điều kiện tiếp sóng V.League, thì rất khó để các doanh nghiệp tiếp tục mặn mà đầu tư cho các đội bóng: "Bán bản quyền V.League là việc làm tốt, cần thiết.Nhưng trước khi làm việc đó, VFF cần đặt câu hỏi V.League là của ai? Nếu chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà quên đi quyền lợi của đông đảo người hâm mộ Việt Nam thì cần phải xem xét lại. Bởi khi đó sẽ kèm theo nhiều hệ quả khó lường", ông Vũ Quang Huy - Phó Giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC bày tỏ.
Một điểm cần lưu ý nữa khi đây lại đang là thời điểm VFF đẩy nhanh việc doanh nghiệp hoá các CLB bóng đá. Khi các doanh nghiệp cảm thấy băn khoăn về lợi ích của mình xung quanh chuyện bản quyền V.League, thì đương nhiên các CLB Việt Nam sẽ gặp khó, và VFF cũng không thể có nụ cười trọn vẹn.
Lê Đức