Dân Việt

“Nghệ sĩ đồng quê” hội ngộ

20/08/2010 15:50 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 19 - 8, tại Quảng Nam, T.Ư Hội ND Việt Nam đã tổ chức Liên hoan tiếng hát đồng quê khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên lần thứ III. Liên hoan đã quy tụ hơn 160 diễn viên, nhạc công của 9 tỉnh thành phố tham gia với 18 tiết mục đặc sắc.
img
Những tiết mục văn nghệ mang nét riêng của vùng miền Trung – Tây Nguyên.

Đậm chất nông dân vùng miền

Trong ngày hội riêng của nông dân khu vực này gần 2.000 khán giả tại nhà văn hóa tỉnh Quảng Nam đã được thưởng thức một bữa tiệc nhạc hội đa sắc màu. Người xem như được đi qua từng vùng đất thông qua từng lời hát, điệu múa, hòa tấu nhạc cụ của các diễn viên, nghệ sĩ nông dân. 18 tiết mục đã làm say đắm lòng người. Xem Liên hoan tiếng hát đồng quê khán giả không chú tâm mấy đến kỹ thuật mà họ thấy hay, thấy hấp dẫn vì những diễn viên nghiệp dư ấy đang biểu diễn với sự chân chất, mộc mạc bao đời của người nông dân.

Đoàn Gia Lai mang đến người xem bức tranh về sự thịnh vượng của đời sống thôn bản thông qua điệu múa “Mừng được mùa”. Âm hưởng núi rừng của Tây Nguyên vang lên mang vẻ hoang sơ và lãng mạn, tình tứ như câu chuyện của đôi trai gái miền cao trong tiết mục hòa tấu nhạc cụ “Đêm hội trăng rằm”.

Anh KSor Bik (đoàn Gia Lai) tâm sự: “Nông dân mình cứ mãi trên nương ruộng nên mong muốn được hát, được thể hiện để kết bạn. Hạnh phúc nhất của mình là được nhìn thấy anh em trong Hội Nông dân trên mọi miền cùng nhau hát và giao lưu. Mình mong có nhiều ngày hội như Liên hoan này để bà con được bên nhau vì Bác Hồ nói 54 dân tộc Việt Nam là anh em một nhà”.

Các đoàn thuộc Tây Nguyên cùng nhau hòa khúc nhạc tạo nên bức tranh Tây Nguyên huyền ảo. Xuôi về đồng bằng, đoàn Quảng Nam đưa khán giả trở về bức tranh quê có trai gái đi làm đồng, trêu nhau qua từng câu hát hò khoan dí dỏm, đậm nét riêng của xứ Quảng. Từng ca từ, diễn xuất đều toát lên hình ảnh người nông dân xưa ở vùng đất này.

Anh Nguyễn Phùng Tuất (Gia Lai) nói: “Chúng tôi muốn nói với mọi người rằng nông dân không chỉ có việc làm lụng mà chúng tôi lấy tiếng hát để tạo niềm vui, để ngợi ca công việc mình đang làm, ngợi ca quê hương”.

Cùng với ý tưởng đó đoàn Khánh Hòa mang đến Liên hoan lần này hai tiết mục hát múa “Bài ca cây lúa” và “Quê hương ba miền” với mong muốn tạo nên nét đẹp của nghề nông, cùng chung tay phát triển, đoàn kết với ba miền Bắc – Trung – Nam. Bà Nguyễn Thị Thúy (Ban tổ chức) đánh giá: “Các tỉnh đã đem về những nghệ sĩ, diễn viên tốt nhất từ nông dân. Những tiết mục mang đặc trưng nông dân của vùng này và rất chuyên nghiệp”.

Liên hoan thành nhịp cầu kết nối

Tình đoàn kết chính là “trái ngọt” nhất mà Liên hoan này hái được. Anh Nguyễn Út (Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam) hồ hởi: “Mình là chủ nhà, phải hết mình giúp đỡ chứ! Chúng tôi vui lắm khi thấy các bạn đến trong tiếng cười. Đây là một liên hoan mà tôi cho rằng họ đến để đem một thông điệp tình cảm của anh em trong mái nhà Hội Nông dân: Đoàn kết và xây dựng!”.

Đến với Liên hoan này, dường như các nghệ sĩ, diễn viên đang biểu diễn để cống hiến hết mình cho khán giả. Trước ngày biểu diễn, các anh em diễn viên, nghệ sĩ gặp nhau giao lưu ca hát như những người bạn lâu ngày gặp lại. Anh Đỗ Minh Đoan (đoàn Khánh Hòa) chia sẻ: “Vừa đến nơi thấy các bạn tỉnh khác cười nói mình quên luôn mệt mỏi, lại thêm háo hức nữa”.

Trong buổi chạy thử chương trình, những nông dân đến từ các vùng miền cùng ngồi chung, bên nhau, giúp đỡ nhau khi có sự cố. Chị Trần Thị Ngọc Tuyền (đoàn Khánh Hòa) cho biết: “Mình bất ngờ khi mấy anh chị Quảng Ngãi đến giúp đỡ mình để chuẩn bị thử chương trình. Tiếng Quảng Ngãi và Quảng Nam hơi khó nghe, tụi mình trêu mà các anh chị không giận còn chuyển điều đó thành đề tài về văn hóa của vùng đất này nữa”.

Họ đã đến và biểu diễn không chỉ để mong có giải mà để gặp gỡ, giao lưu và kết bạn.

Hai ngày trên xứ Quảng, Liên hoan tiếng hát đồng quê khu vực duyên hải miền Trung – Tây Nguyên thành công mỹ mãn vì đã gặt hái nhiều thành quả hơn một cuộc thi. Liên hoan đã có một vụ mùa “bội thu”?tiếng cười trong tình cảm thân thiết, tình đoàn kết giữa các anh em nông dân.