Dân Việt

Người Rục đi xuất khẩu lao động

21/08/2010 09:24 GMT+7
(Dân Việt) - Sau 50 năm rời hang đá, người Rục ở xã Thượng Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình lần đầu tiên được học nghề, học giáo dục định hướng để đi xuất khẩu lao động...

Vui vì được đi... máy bay

img
Với sự khéo tay, nhiều người Rục đã mở xưởng mộc ngay tại bản mình

Chuyện 37 thanh niên người Rục được đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một sự kiện trọng đại, đánh dấu một bước tiến vượt bậc của đồng bào Rục, mà khi nghe thông tin trên nhiều người biết đến người Rục cũng không thể tin được.

Hôm tôi đến bản Yên Hợp của người Rục, đã gần một tháng sau khi 37 thanh niên của bản “xuất ngoại”, nhưng câu chuyện vẫn nguyên tính thời sự. Ông Trần Xuân Tiệp (57 tuổi) có hai người con được đi XKLĐ ở Malaysia đợt này, cười tít mắt kể chuyện: “Thằng Huy (Trần Xuân Huy) và thằng Hồng (Trần Xuân Hồng) vừa điện thoại về đó. Nó bảo, qua bên đó đã ổn định công việc rồi, nhận lương sẽ gửi tiền về cho bọ mạ. Nó còn khoe, sang bên đó mọi thứ đều mới lạ, cái chi cũng hiện đại, vui nhất là được đi máy bay, bay cao trên bầu trời, cao hơn hẳn những hòn lèn cao ngất ở bên bản làng quê miềng”.

Nghe chồng nói vậy, bà Cao Thị Lại góp chuyện: “Nghe con nói rứa tui cũng vui cái bụng lắm. Hai vợ chồng tui đều sinh ra trong hang đá, được bộ đội đưa ra đây (bản Yên Hợp) sống định cư, bớt tối tăm hơn, bầu trời như to hơn; nhưng sinh đến 10 người con nên quanh năm đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn, phải nhờ cứu trợ của nhà nước. Chừ mấy đứa con tui đã được nhà nước cho đi XKLĐ ở nước ngoài, không còn phải lo đến cái ăn, lại được mở mang tầm mắt, có chi vui hơn nữa…”

Một tháng bằng một năm làm rẫy

Hiện đồng bào Rục sống định canh, định cư ở 4 bản Phú Minh, Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp với 152 hộ, hơn 673 nhân khẩu. Năm 2009, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, lần đầu tiên người Rục trồng được lúa nước và lần này với việc lần đầu tiên được đi XKLĐ, người Rục đã có một bước tiến dài trong hành trình hoà nhập cộng đồng.

Theo phòng LĐ-TB&XH huyện Minh Hoá, 37 thanh niên người Rục được đi XKLĐ ở Malaysia với mức lương khởi điểm 4,5 triệu đồng/tháng (được bao ăn ở). Các LĐ này đi XKLĐ qua Công ty cổ phần Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hoá, được hỗ trợ theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, nghĩa là được hỗ trợ ăn, ở, đi lại trong thời gian học nghề, học giáo dục định hướng (1 tháng, tại Hà Tĩnh) và được hỗ trợ vay vốn đi XKLĐ.

Công việc của họ là làm nghề mộc, các nghề thủ công mỹ nghệ và lao động phổ thông. Chủ sử dụng LĐ phía bạn tỏ ra rất hài lòng vì đối với những nghề này, người Rục rất khéo tay và họ làm rất chuyên nghiệp.

Ông Trần Xuân Tư - Trưởng bản Yên Hợp (xã Thượng Hoá) nhẩm tính: “Nếu so với nhiều nơi, số tiền 4,5 triệu đồng không phải là nhiều, nhưng đối với người Rục thì đó là một số tiền lớn, bằng 1 năm làm nương rẫy (với những gia đình có nhiều rẫy) của bà con. Đây là một nguồn thu không nhỏ giúp đồng bào Rục xoá đói, giảm nghèo…”.

Gia đình ông Cao Đồ (50 tuổi) và bà Cao Thị Phường (45 tuổi) có 6 người con, quanh năm quần quật làm rẫy mà vẫn không đủ ăn, phải nhờ sự cứu trợ của nhà nước. Nhưng bây giờ ông Đồ đã rất yên tâm vì có đứa con trai là Cao Xuân Viên (SN 1981) được đi XKLĐ trong đợt này. “Mừng lắm! Mỗi tháng thằng Viên sẽ có 4,5 triệu đồng gửi về. Đó là số tiền to mà vợ chồng tui có nằm mơ cũng không chộ (thấy). Rứa là khỏi lo đói rồi, lại có tiền để mua giống, phân bón làm ngô, làm lạc. Con đi bên đó làm gửi tiền về, ở nhà cả gia đình cũng siêng năng làm rẫy, rứa là no cái bụng rồi” – ông Đồ nói.

37 thanh niên người Rục đi XKLĐ đợt này phần lớn chưa lập gia đình. Cá biệt có vợ chồng anh Cao Xuân Tình - Cao Thị Thanh cũng được xét tuyển. Hai vợ chồng mới cưới nhau, không có công ăn việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ có chính sách ưu tiên của nhà nước cho người Rục đi XKLĐ nên anh chị quyết định cùng đi, kiếm tiền vốn để lo cuộc sống sau này.