Dân Việt

Nuôi nhông cát

22/08/2010 14:52 GMT+7
(Dân VIệt) - Tôi về thăm lại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận và rất ngạc nhiên khi thấy phong trào nuôi nhông cát đã lan ra cả xã.

Nhớ ngày nào, ở đây chỉ mới có anh Nguyễn Chiến - nguyên Chủ tịch xã là tiến hành nuôi. Chúng tôi đã ngồi cả buổi ngoài vườn để rình lũ nhông bò lên kiếm ăn. Nay về lại, đi đâu cũng gặp trại nuôi nhông. Anh Mai Thành Lập - Phó Chủ tịch xã cho tôi biết, hiện đã có trên 100 hộ nuôi nhông. Có nhà thu tới hàng chục triệu mỗi vụ.

Giá nhông từ 100 đã lên tới trên 200 nghìn đồng/cân. Nhông nuôi nên lớn hơn hẳn nhông trong tự nhiên. Có con nặng tới 6-7 lạng. Thế mà có nhà nuôi tới cả nghìn con. Rõ ràng, nghề nuôi nhông đâu chỉ có xóa đói giảm nghèo mà còn giúp bà con dễ dàng làm giàu.

Tôi đã nhiều lần tới thăm gia đình anh Trương Thảnh ở xã Vĩnh Thái, TP.Nha Trang. Anh bị bệnh nên chân tay đều liệt phải đi bằng xe lăn. Thế mà anh chỉ đạo cho chị nuôi rất thành công nhông cát. Anh đã giúp cho nhiều bà con trong vùng và cả các nơi khác biết cách nuôi nhông. Rất tiếc, bạo bệnh đã cướp đi sinh mạng của anh. Tôi luôn nhớ tới con người đầy nghị lực đó.

Nuôi nhông không khó. Suốt từ Thanh Hóa vào tới tận các tỉnh cực Nam đều thấy có nhông cát. Tuy nhiên, ta chỉ nên nuôi chúng ở vùng cát ven biển từ Đà Nẵng trở vào. Đặc biệt, các cồn cát trơ trụi ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... mà ta không thể chăn nuôi hoặc trồng trọt được gì thì nên tổ chức nuôi nhông cát.

Nhông ưa khí hậu nóng ẩm. Nếu nhiệt độ chỉ xuống tới 24oC và ẩm độ lên tới 90% là nó đã chui sâu xuống dưới cát để đi trốn. Cả mùa đông nó nằm lì dưới cát sâu. Khi mùa xuân ấm áp tới, nó mới bò lên mặt đất, đi kiếm ăn.

Để nuôi nhông, công việc tốn kém nhất có lẽ là làm tường để ngăn không cho chúng bỏ đi nơi khác. Tường cần xây âm xuống đất khoảng 1m để tránh chúng đào hang, chui ra ngoài. Còn phía trên mặt đất, tường phải cao từ 1m trở lên. Quan trọng nhất là tường phải nhẵn để chúng không bò ra được. Có nơi dùng bản tôn hoặc nilon thay tường. Việc này có hiệu quả tốt mà lại tiết kiệm.

Trong khu nuôi nên trồng thêm cây bóng mát. Tốt nhất, ta nên trồng cây trứng cá. Loại cây này lớn nhanh, tán xòe rộng mà quả của chúng lại là món ăn hấp dẫn với nhông. Nhông có thể ăn tất cả các loại thức ăn có nguồn gốc hữu cơ, cả động và thực vật, nhưng cần băm nhỏ cho chúng dễ ăn. Nếu có thêm được nguồn thức ăn động vật thì quá tốt. Ta nên nuôi thêm giun (trùn) cho chúng ăn. Nhông rất mê các loại thức ăn có màu sắc như hoa phượng, hoa giấy, hoa dâm bụt, hoa rau muống... Chính vì vậy, người ta thường dùng các loại hoa đó nhử chúng vào lồng để bắt.

Nhông đẻ trứng rồi nở thành con. Nó đẻ nhiều đợt trong một mùa. Nhông con nở ra đã biết kiếm ăn ngay. Tuy nhiên, ta nên nuôi riêng chúng vì nhông lớn khi đói có thể cắn cả nhông con.

Bà con nên tìm đọc cuốn “Nghề nuôi nhông cát” trong bộ sách “100 nghề cho nông dân” của chúng tôi mà NXB Nông nghiệp đã phát hành.

Hy vọng, con nhông cát sẽ là vật nuôi mới của nhiều gia đình.