Dân Việt

Hôm nay xử vụ Cát Tường: Quan trọng là xác định thời điểm nạn nhân tử vong

Lương Kết (thực hiện) 14/04/2014 07:05 GMT+7
Hôm nay (14.4) diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Thẩm mỹ viện Cát Tường". PV đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Phương - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao - một số vấn đề xung quanh vụ án này.
Ông Đặng Quang Phương cho biết: Trong quá trình công tác 30 năm của tôi, cũng như tìm hiểu thêm thì chưa bao giờ gặp trường hợp nào xảy ra như ở vụ Cát Tường. Với những trường hợp khác xảy ra gần giống nhưng nó rơi vào hậu quả của vụ giết người. Ví dụ như giết người xong kẻ thủ ác phân hủy xác, đốt xác... để che giấu tội phạm, sau đó chỉ tìm được một phần thi thể, hoặc thi thể đã thành tro, những vụ này là có nhưng rất hy hữu. Trường hợp này là chuỗi của loại tội cố ý về hành vi, cố ý về hậu quả, phi tang là để che giấu tội phạm mà mình cố ý thực hiện mong muốn nó xảy ra.

Ông Đặng Quang Phương (ảnh) - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao
Ông Đặng Quang Phương - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao.

Còn thông thường những tội cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả, khi người ta biết đã làm những cái gì đó lỡ chết người rồi thì người ta dừng lại ở đó hoặc làm việc này, việc khác mang tính tích cực chứ không phải phi tang như trường hợp bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.

Việc chưa tìm được thi thể nạn nhân có gây khó khăn cho việc xử lý vụ án nhiều không, thưa ông?

- Tôi rất chia sẻ với gia đình nạn nhân vì đến nay chưa tìm thấy thi thể. Còn trong pháp luật hình sự việc thi thể nạn nhân là một phần, để truy tố bị cáo, các cơ quan tố tụng còn căn cứ vào các tài liệu chứng cứ khác. Cái quan trọng nhất là xác định thời điểm nạn nhân chết, đó là cơ sở định tội danh.

Trong tài liệu thể hiện không chỉ Nguyễn Mạnh Tường mà còn có đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai, nhân viên thẩm mỹ viện biết việc đó. Trong cáo trạng kết luận sự việc nhưng những chứng cứ, căn cứ để đi đến kết luận thì chưa được mô tả rõ.

Vấn đề này khi ra tòa, HĐXX cũng như luật sư sẽ hỏi. HĐXX sẽ tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại tòa. Cần thiết thì triệu tập người có "tham gia" hoặc biết sự việc xem có khớp như cáo trạng nêu không. Nếu đúng như cáo trạng nêu thì việc truy tố tội "Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" (Điều 242 Bộ luật Hình sự) là có căn cứ.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc truy tố Nguyễn Mạnh TườngĐào Quang Khánh về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" là thiếu thuyết phục, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Nếu ở vào trường hợp kẻ giết người gây án xong tìm cách thiêu xác đi, chặt tay chân, hủy đi... thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ truy tố, xét xử kẻ đó về tội giết người. Còn hành vi hủy xác nạn nhân thì không bị truy tố thêm tội khác, bởi nó nằm trong chuỗi hành vi giết người nhưng hành vi đó là tình tiết tăng nặng, định khung cho tội giết người như phạm tội một cách man rợ...

Vụ Cát Tường là cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả, có nghĩa là hậu quả anh không mong muốn nhưng anh bỏ mặc và hậu quả đã xảy ra. Lẽ ra khi xảy ra hậu quả đáng lẽ anh phải báo cơ quan chức năng, hay phải làm việc này, việc kia có tính tích cực để khắc phục. Kết quả từ hành vi giai đoạn trước của anh vô ý gây nên cái chết thì đã bị truy tố về tội ở Điều 242 Bộ luật Hình sự. Còn anh có thêm hành vi vứt xác đi thì nó đã cấu thành tội phạm mới, đó là xâm phạm thi thể.

Quy định của pháp luật hình sự hiện nay có lường được tình huống xảy ra như vụ Cát Tường không, thưa ông?

- Luật pháp có tính dự liệu, khi xây dựng những nhà làm luật cũng tính tới những trường hợp có thể xảy việc làm chết người sau đó hủy xác phi tang. Ví dụ trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đâm chết người, sau đó đối tượng đem xác nạn nhân đi vứt, đi tiêu hủy để xóa hiện trường. Ở đây hành vi lái xe đâm chết người là tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", còn việc vứt xác, tiêu hủy xác nạn nhân là tội "Xâm hại thi thể".

Vụ Cát Tường và ví dụ nêu trên về bản chất lại giống nhau.

Xin cảm ơn ông!