Một cơ sở làm lưới ở cầu Thơm Rơm (Thốt Nốt, Cần Thơ). |
Dài cổ chờ lũ
Dự kiến mùa lũ năm nay nông dân Đồng Tháp sẽ thả nuôi 2.000ha tôm càng xanh trên chân ruộng. Tính đến thời điểm này các huyện Tam Nông, Hồng Ngự, Lấp Vò, Cao Lãnh đã bắt đầu thả nuôi. Tuy nhiên, nước trên đồng quá thấp nên nông dân phải tốn khá nhiều tiền bơm nước vào ruộng. Ở huyện Tam Nông, đến nay diện tích nuôi tôm càng xanh là 651ha.
Ông Nguyễn Thanh Minh (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) đã thả hơn 200.000 con tôm giống rầu rĩ: “Tháng này mọi năm, nước đã lên ruộng nhiều, không cần bơm nước. Đến nay nước vẫn thấp nên gia đình tui phải tốn bạc triệu để mua dầu bơm nước bổ sung”.
Mấy năm nay, nông dân Đồng Tháp Mười được nhà nước hỗ trợ tôn nền nhà, rồi cất nhà trên khu dân cư vượt lũ nên không ai sợ lũ. Mùa lũ được gọi là “mùa nước nổi”. Nước lên không chỉ diệt sạch chuột, bọ, cỏ dại, kéo phù sa bồi đắp ruộng đồng mà còn kéo theo con tôm con cá từ thượng nguồn đem về, làm cuộc sống nông dân thêm trù phú.
Anh Trần Văn Bình (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, Long An) cho biết, từ đầu tháng 7 anh đã kéo chiếc xuồng lên bờ, “o bế” lại để chờ lũ nhưng chờ hoài không thấy. “Vợ chồng tôi bỏ ra gần 3 triệu đồng để mua 100 cái lọp (dụng cụ bắt tôm cá, đặt dưới nước), mấy trăm thước lưới, mua bình ắc quy sẵn sàng đánh bắt cá. Mấy anh em hàng xóm cũng đã đầu tư cả tháng nay nhưng nước chưa về. Nếu lũ về chậm chắc mùa này khó thu hồi vốn”- anh Bình nói.
Ở vùng Đồng Tháp Mười, nông dân ngoài đánh bắt cá còn nuôi cá lóc mùa lũ để tăng thu nhập. Mùa này, lượng cá tạp mua bán tính bằng giạ, bằng thúng nên người nuôi cá có lời. Tuy nhiên, nhiều chủ ao đang rầu thúi ruột vì khan hiếm lượng cá mồi.
Ông Trần Văn Tùng, nông dân chuyên nuôi cá lóc bông ở xã Tân Lập (Mộc Hóa, Long An) than thở: “Không có cá tạp, tôi phải mua thức ăn công nghiệp để cho cá ăn. Nếu trong vòng vài tuần nữa mà nước vẫn không lên thì vụ cá này có khả năng lỗ do thức ăn công nghiệp giá rất cao”.
Làng nghề héo hắt
Hàng chục cơ sở chuyên làm lọp bắt cua ở thị xã Châu Đốc (An Giang) đã tập trung vựa hàng từ giữa năm để bán ra trong mùa lũ. Mặt hàng này chủ yếu bán cho người dân sống ven biên giới mua để sang Campuchia bắt cua (có đóng phí khai thác cho chính quyền địa phương và chủ ruộng). Đến nay, lũ chưa lên nên hàng chục ngàn cái lọp bị ế.
Bà Nguyễn Thị Hòa - chủ một cửa hàng ngư cụ ở Châu Đốc cho biết, mặt hàng này làm bằng tre, chỉ bền khi được người dân ngâm dưới nước trong quá trình đánh bắt. Do để trên bờ suốt mấy tháng nên nhiều cái lọp bị mọt, chất lượng xuống thấy rõ.
Hơn 20 cơ sở sản xuất lưới bắt cá ở cầu Thơm Rơm, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) và hàng trăm hộ dân sản xuất lưỡi câu ở xã Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên, An Giang) đã thất thu trong suốt tháng 8 vì không có người mua hàng. Các làng nghề sản xuất xuồng câu lưới ở huyện Chợ Mới, An Giang cũng chung tình trạng ế ẩm.
Theo ông Bùi Hữu Soi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp thì mấy năm nay, nông dân trong tỉnh thả nuôi tôm càng xanh ngày càng nhiều do tận dụng nguồn nước, thức ăn trong mùa nước nổi. Năm nay, nhiều hộ nông dân đang chờ nước lên để tiếp tục thả nuôi. Còn các làng nghề như đóng ghe, xuồng, đan lưới, lọp, làm lưỡi câu… cũng đang chờ lũ về để phục vụ bà con mưu sinh. Lũ về chậm, hoặc quá thấp đang làm nông dân vất vả thêm.
Đỉnh lũ sẽ vào giữa tháng 10
Theo bà Nguyễn Lê Hạnh - Phó phòng Dự báo khí tượng thủy văn Nam bộ, lũ năm nay chỉ bằng mức trung bình thấp so với cùng kỳ mọi năm. Dự báo đỉnh lũ vào khoảng giữa tháng 10 chỉ đạt mức báo động 1, xuất hiện tại Tân Châu 3,5m, tại Châu Đốc 3m. Theo bà Hạnh, nguyên nhân lũ kém do lượng mưa trên vùng thượng nguồn sông Mekong từ bắc Lào đến Campuchia đều ở mức rất thấp, vùng hạ lưu sông Mekong khu vực ĐBSCL đến thời điểm này vẫn còn đang cạn và nước trên đồng vẫn chưa có.
Ông Trương Hữu Bình - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Long An cũng nhận định, lũ năm nay sẽ rất thấp, cao lắm là đến mức báo động 2 chứ khó có thể đạt mức báo động 3 như mọi năm.
Hoàng Mai - Hữu Danh