Hôm quay lại cơ quan cũ, tôi ngồi nói chuyện với mấy người bạn. Bỗng có cụ già râu dài tóc bạc ở phòng giám đốc đi xuống. Khi qua chỗ chúng tôi, ông cụ cất lời: "Em chào các bác ạ!".
Trong đám "các bác" có đứa tuổi con, còn lại là tuổi cháu.
Chúng gật đầu mủm mỉm chào lại. Chờ cụ già đi khuất, một đứa cười hinh hích:
- Úi giời, em…
Đứa thứ hai bình luận vẻ khinh thị:
- Buồn cười, sao lại chào thế nhỉ? Nhà quê có khác...
Đứa thứ ba có vẻ điềm đạm một cách tù mù:
- Cụ ấy cổ nhỉ.
Mấy đứa đó đều là dân phố xá...
Họ không sai nếu chỉ nhìn cái vỏ ngôn ngữ. Nhưng cái mà họ không nhận ra nổi, cái mà họ chê lại là cái hay nhất của lối ứng xử trọng thị của người nhà quê. Ông cụ trước người đối diện đã chào hỏi rất từ tốn và khiêm nhường. Chào bác, thì không có nghĩa người được chào là bề trên, còn xưng em thì không có nghĩa là bề dưới.
Đó chỉ là thái độ nhũn nhặn để bộc lộ sự khiêm nhường, tôn trọng người đối diện. Người ta chào bác, xưng em xưng cháu thì đó chính là lời của con cháu chào anh chị - mà ông già chỉ là người nói hộ. Cho nên không lạ khi cụ bà còn xưng là cháu với người đối thoại trẻ tuổi hơn nhiều. Bà đã là người có cháu chắt. Khi chào, bà để vị trí bà lẩn đi, thay bằng vị trí con cháu. Nhưng nhiều người lại không biết…
Khi cần thì các cụ vẫn thừa biết sẵng "tôi" và "ông" như thường.
Nông thôn còn rất nhiều chuyện ta chưa biết, để ý sẽ thấy rất nhiều điều cần tìm hiểu, đâu chỉ có mấy câu chữ đầu lưỡi này.
Đỗ Đức