Dân Việt

Cha mẹ có nghề, con được đi học

22/09/2010 16:26 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 2010 xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, Bến Tre vẫn còn 329 hộ nghèo, nhiều gia đình không đủ khả năng cho con đi học. "Các chương trình cho vay vốn của Ngân hàng CSXH và Hội ND tập trung vào những đối tượng này" - ông Võ Văn A - Chủ tịch Hội ND xã Tân Thiềng cho biết.
img
Mẹ con chị Lan (vợ anh Bình) chăm sóc mai vàng.

Theo ông Huynh Văn Xiếu - cán bộ Ban chỉ đạo giảm nghèo xã Tân Thiềng: "Chung quy, các đối tượng chưa thoát nghèo là do thiếu việc làm; không có hoặc có rất ít đất sản xuất và thiếu vốn làm ăn".

Bố mẹ có việc làm

Ông Võ Văn A giải thích: "Hiện nay, Tân Thiềng chỉ còn 10,46% hộ nghèo là do chúng tôi huy động nhiều nguồn lực thực hiện giảm nghèo, đồng vốn của Ngân hàng CSXH góp phần rất lớn giúp tạo nghề, thêm việc làm ở những hộ nghèo".

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình ở ấp Tân Thạnh chỉ có 2.500m2 đất bưng trũng chỉ cấy lúa được cha mẹ chia lúc ra riêng. Năm 2006 sau khi cải tạo mặt bằng, anh được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chợ Lách cho vay 8 triệu đồng mua hột xoài giống, mai vàng về ương, ghép.

img Trong 11 xã, thị trấn của huyện, xã Tân Thiềng được ngân hàng giải ngân lớn nhất, nông dân sử dụng vốn cũng có hiệu quả nhất, 5 năm nay chưa xảy ra trường hợp chiếm dụng vốn. img

Ông Lê Huy Vũ - Phó Giám đốc, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chợ Lách

Do lần đầu chuyển từ trồng lúa sang cây giống và hoa kiểng nên anh Bình không bỏ lỡ các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội ND phối hợp với khuyến nông mở.

Kiến thức học được, anh Bình về hướng dẫn lại cho vợ. Năm đầu tiên bán cây xoài giống, mai vàng ghép, số tiền thu được vượt ngoài mong ước của vợ chồng anh. Nhờ đó, vợ chồng anh trả xong nợ gốc và lãi suất cho ngân hàng.

Thấy anh Bình mở nghề mới đạt hiệu quả cao, năm 2008, Hội giới thiệu với Ngân hàng CSXH cho anh vay tiếp 10 triệu đồng để phát triển nghề ghép hoa mai và ươm cây giống. Theo tính toán, giá đầu vào của mai vàng từ cây giống đến bo (mắt) tháp chừng 11.000- 21.000 đồng.

Vụ hoa Tết Canh Dần với 1.000 cây mai vàng ghép, trừ chi phí vợ chồng anh lãi 20 triệu đồng, chưa kể trước đấy bỏ túi 10 triệu đồng tiền bán xoài giống. "Không có vốn của Ngân hàng CSXH, chắc chắn vợ chồng tôi phải đi vay bên ngoài lãi suất không dưới 5%/tháng. Đến nay vợ chồng tôi cũng chưa xóa xong nghèo" - chị Lan vợ anh Bình nói.

Gia đình Nguyễn Văn Sơn chỉ có 2.000m2 và cũng được Ngân hàng CSXH hỗ trợ lần đầu (năm 2007) 7 triệu đồng để ươm cây ăn trái giống. Năm 2009, Ngân hàng hỗ trợ thêm 7 triệu đồng giúp anh mở rộng sản xuất, mỗi năm bán 15.000 cây thu hơn 60 triệu đồng lãi. "Gia đình tôi không chỉ ra khỏi diện nghèo mà có thể vươn lên khá" - anh Sơn vui vẻ nói.

Con được đến trường

Ông Trần Văn Đậm thương binh 4/1 ngụ ấp Thanh Tịnh có 1.800m2 đất vườn. Do không vốn đầu tư nên mảnh vườn của ông vẫn là vườn tạp, không sinh lợi. Để nuôi 4 con ăn học từ lớp 1 đến hết cấp 3, vợ chồng ông chỉ biết đi làm mướn. Nghề làm mướn ở quê thất thường nên gia đình ông vẫn nghèo.

Năm 2005, trong lúc không có tiền nuôi cậu con đầu sinh năm 1984 vào học Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình TP.Hồ Chí Minh, ông được Ngân hàng CSXH cho vay mỗi năm 6 triệu đồng nuôi con học.

Cô con gái thứ hai của vợ chồng ông thi đậu Đại học Cần Thơ tiếp tục được ngân hàng hỗ trợ nên cháu có cơ hội học tiếp hệ cao học tại Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Năm 2009, để tạo điều kiện cho con thứ 3 của ông Đậm vào Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Ngân hàng lại cho vợ chồng ông vay tiền cho con đi học.

Ông Đậm xúc động: "Các con tôi học đi học đại học cũng nhờ Ngân hàng CSXH. Ơn này vợ chồng và con tôi không bao giờ quên". Ông Đậm còn cho biết, thấy cha mẹ nghèo, sau giờ học các cháu tranh thủ đi làm để thêm tiền chi phí trong học tập và sinh hoạt.