3ha khoai tây trồng theo hệ thống an toàn VietGAP của gia đình ông Lê Công Thôn (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vừa được Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (thuộc Bộ NNPTNT) cấp giấy chứng nhận trong tháng 4 vừa qua.
Anh Thôn cho biết, năng suất ruộng khoai tây trồng theo VietGAP đạt bình quân 20 tấn/ha, tỷ lệ đồng đều của củ tăng 30%, chi phí đầu tư giảm 30% so với sản xuất theo kiểu truyền thống. Chất lượng củ cũng được cải thiện hơn như màu sắc đẹp, chất lượng ngon và an toàn hơn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cao (hơn 90%).
Việc liên kết các hộ sản xuất khoai tây theo VietGAP sẽ tạo nguồn cung lớn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. |
Đặc biệt khoai có giá bán lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 - 2 lần giá bán của sản phẩm sản xuất theo phương thức truyền thống. Nếu sản xuất lâu dài thì chi phí càng được tiết kiệm đáng kể do duy trì được độ phì nhiêu cho đất, nâng cao năng lực và tạo thói quen sản xuất nông sản sạch cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường.
Anh Thôn tâm sự, làm VietGAP không dễ, gia đình anh phải mời chuyên gia trong nước, ngoài nước đến tư vấn. Bởi tham vọng của anh không chỉ tiêu thụ được sản phẩm ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Cái quan trọng là thay đổi cả một tập quán sản xuất.
Hệ thống canh tác theo quy trình VietGAP phải dựa trên cơ sở kiểm soát được các mối nguy hại liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ quá trình, từ đất, nguồn nước, giống, phân bón, hóa chất, động vật gây hại… và cả từ sản xuất đến thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, với mục tiêu hướng đến một sự phát triển ổn định và bền vững.
“Bên cạnh đó, kỹ năng quản lý cần phải tuân thủ đúng quy trình. Sản xuất theo VietGAP lúc đầu nhìn thì khó, nhưng sẽ dễ dần sau khi mình tập được thói quen làm việc có kỷ luật, theo đúng quy trình, kế hoạch sản xuất” - anh Thôn bày tỏ.
Sau khi đã có chuẩn VietGAP, tiến thêm một bước, gia đình anh bắt đầu liên kết với nhiều hộ sản xuất khác để tạo thành vùng nguyên liệu và luân canh cây trồng phù hợp. Công việc này giúp các anh duy trì được nguồn cung và điều chỉnh thị trường một cách hợp lý, tránh được sự cạnh tranh mang tính đại trà như nhiều chủng loại cây trồng khác. Việc liên kết nhiều hộ sản xuất còn giúp có được một nguồn cung lớn, không chỉ cung cấp đủ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước Canada, Australia…
Hàng năm, bình quân 1ha khoai tây, anh Thôn bán được từ 300 - 400 triệu đồng. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 140 - 200 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với lợi nhuận trồng theo phương pháp truyền thống. Hàng tháng gia đình anh đã giải quyết cho từ 10 - 20 lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định với thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Hữu Dụng