Và dù Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải có “lưu ý”, rằng: “Điều chỉnh có nghĩa là cũng có khả năng giảm chứ không phải lúc nào cũng tăng giá”, nhưng xét trên “điệp khúc” lỗ, giá vẫn còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực... của ngành điện, thì chuyện giảm giá e rằng hơi hoang tưởng.
Thực ra việc điện “3 tháng tăng một lần” đã được chính thức hóa bằng một văn bản của Chính phủ, trong lộ trình “theo thị trường”. Tuy nhiên, khi giá điện tăng bất ngờ từ 1.7 vừa rồi, có lẽ sự suy kiệt của các doanh nghiệp sẽ xuống mức độ tệ hại hơn là thoi thóp. Ngành xi măng, đang sống dở chết dở với 2 triệu tấn tồn kho, lại chịu thêm một cú đánh nặng đòn khi mà giá điện chiếm tới 30% giá thành. Hiệp hội Thép thì mô tả cú tăng giá vừa rồi chẳng khác gì giáng đòn vào doanh nghiệp. Nhưng nạn nhân thứ thiệt phải là những người tiêu dùng, là nhân dân.
“Cứ đầu vào tăng 1 đồng chắc chắn giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải tăng 2-3 đồng” - lời than vãn của giám đốc một doanh nghiệp may cho thấy câu chuyện tăng thêm vài chục ngàn mỗi tháng đối với điện sinh hoạt, theo tính toán đơn giản của ngành điện, là gánh nặng trực tiếp mà người tiêu dùng phải chịu. Sự “nhân bản” của giá thành mấy chục ngành sản xuất, hàng chục ngàn loại sản phẩm tăng 2-3 đồng mới là thứ làm hao hụt nhiều nhất, nhanh nhất túi tiền của người tiêu dùng.
Nói câu chuyện giá điện tăng, không thể không nhắc đến chuyện xăng giảm giá. Ngoài những lời hô hào của lãnh đạo các hiệp hội vận tải, rằng sẽ phải giảm giá cước, thì dường như trong thực tế chưa có gì giảm theo giá xăng.
Câu chuyện giá điện tăng, và nhiều khả năng tăng 3 tháng một lần cho thấy việc ngành điện thờ ơ trước những khó khăn chung mà các doanh nghiệp và hàng chục triệu người dân đang phải đối mặt. Có vẻ câu chuyện về giá điện “như quân tốt trên bàn cờ, chỉ tiến không lùi” đang cho thấy phẩm chất khiến người dân Việt Nam trở thành những người lạc quan nhất thế giới: Sự kiên nhẫn.
Kiên nhẫn trước sự thờ ơ.
Anh Đào