Dân Việt

Bầu Kiên khó “chơi” bầu Hiển

11/07/2012 07:35 GMT+7
(Dân Việt) - V.League và Giải hạng Nhất 2012 chỉ còn 6 vòng đấu nữa và không loại trừ khả năng sẽ có “bất ngờ” gắn với cái tên bầu Hiển khi mùa giải khép lại...

Nước và lửa

Khoảng 1 năm qua, các hành xử trái ngược như nước với lửa giữa bầu Kiên (Hà Nội) và bầu Hiển (Hà Nội T&T) là đề tài được báo chí liên tục đề cập và dư luận bàn tán xôn xao. Đáp lại vụ bầu Kiên “nẫng” mất Công Vinh từ tay mình, bầu Hiển liên tiếp đáp trả bằng nhiều cách: Thưởng vượt khung cho đội nhà (như việc “lách luật” rút tập đô la thưởng nóng cho con các cầu thủ), vẫn ung dung làm ông chủ của 2 đội bóng Hà Nội T&T, SHB. Đà Nẵng với luận điểm “tôi là nhà tài trợ chứ có phải ông chủ đâu”...

img
Bầu Kiên (trái) không dễ “tước” suất thăng hạng của bầu Hiển.

Đặc biệt hơn cả, trong thời gian “bầu Kiên và những người bạn” mải mê khẳng định giá trị của VPF gắn với cuộc chiến bản quyền truyền hình, thì bầu Hiển lại lên tiếng trên đấu trường V.League, Giải hạng Nhất. Sau 20 vòng đấu, Hà Nội T&T (39 điểm), SHB. Đà Nẵng (38 điểm) lần lượt chia nhau 2 vị trí đầu bảng V.League, và gần như không ai có thể cản được họ “tung hứng” nhau lên ngôi vô địch.

Trong khi đó, HAGL của bầu Đức, Hà Nội của bầu Kiên đều đang đứng ở giữa bảng tổng sắp, thường xuyên bị đe dọa bởi sức nóng từ cuộc đua trụ hạng. Ở Giải hạng Nhất, Hà Nội của bầu Hiển (38 điểm) cũng đang độc chiếm ngôi đầu với 5 điểm nhiều hơn đội xếp thứ 2 ĐT.LA của ông chủ Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF.

VPF và những “bài toán” khó

Không chỉ bầu Hiển mà rất nhiều ông chủ của các CLB khác đã liên tục thưởng vượt khung (mức 500 triệu đồng) do VPF đặt ra: V.Ninh Bình (thưởng 1 tỷ đồng cho trận thắng V.Hải Phòng vòng 5), SHB. Đà Nẵng (thưởng gần 1 tỷ đồng cho trận thắng Hà Nội T&T vòng 6), V.Hải Phòng (thưởng 1,5 tỷ đồng sau khi thắng HAGL vòng 15)...

Và chắc chắn, VPF sẽ rất khó phạt nặng những đội “xé rào” từ mùa giải 2013 như tuyên bố của ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng Giám đốc VPF mới đây, do có vô vàn cách “lách luật” thưởng nóng cho cầu thủ nếu các ông bầu muốn.

Nói cách khác, những vấn đề nổi cộm của bóng đá Việt Nam như vung tiền bừa bãi, sai sót của trọng tài, những trận đấu có “mùi”... vẫn tồn tại như những thách thức đối với khả năng của VPF. Sắp tới, trong trường hợp Hà Nội vô địch Giải hạng Nhất và giành quyền thăng hạng, VPF sẽ phải đối mặt với một “bài toán” khó nữa không dễ tìm ra lời đáp ổn thỏa.

Khi được hỏi về khả năng bán suất V.League cho V.Hải Phòng, bầu Hiển vẫn bỏ ngỏ: “Nói gì lúc này là quá sớm, trong bóng đá, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Phía trước, Hà Nội chỉ biết tập trung hết sức trong giai đoạn cuối mùa”.

Theo Điều 14 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 “VFF không công nhận tổ chức, cá nhân sở hữu hai CLB, đội bóng trở lên tham gia trong cùng 1 giải đấu”. Và đương nhiên, bầu Hiển không thể là ông chủ của cả Hà Nội T&T và Hà Nội ở V.League 2013.

Bầu Kiên đã khẳng định: “Hà Nội (của bầu Hiển-PV) sẽ không được thăng hạng ngay cả khi vô địch Giải hạng Nhất”, và đội xếp thứ 2, thứ 3 Giải hạng Nhất sẽ được đôn lên thế chỗ.

Khúc mắc là điều này không hề có trong quy chế bóng đá Việt Nam. Thậm chí, Điều 11 trong Điều lệ Giải hạng Nhất còn ghi rõ: “Hai CLB xếp hạng cao nhất trong số các CLB chuyên nghiệp sẽ được chuyển lên thi đấu tại giải ngoại hạng 2013”.

Như vậy, cách làm tự phát (nếu có) của VPF chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng của bầu Hiển. Thậm chí các đội hạng Nhất khác cũng có quyền ý kiến bởi nếu điều này được ghi rõ bằng văn bản từ trước khi mùa giải 2012 diễn ra, họ sẽ cố gắng cạnh tranh vào vị trí thứ 3 với hy vọng lọt qua “khe cửa hẹp”, thay vì buông xuôi.

Lời giải vẹn cả đôi đường trong trường hợp Hà Nội thăng hạng là bầu Hiển sẽ bán suất V.League cho V.Hải Phòng - đội bóng chắc chắn rớt hạng sau khi V.League 2012 khép lại.