Từ ngày 9.7 trở đi, các tỉnh miền Bắc và Trung Bộ chịu ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh áp thấp có trục ở vào khoảng 26-28 độ Vĩ Bắc, nối với vùng áp thấp nóng phía tây có xu thế phát triển và mở rộng về phía đông nam, riêng bắc và trung Trung Bộ còn chịu tác động của hiệu ứng phơn do gió mùa tây nam gây ra - Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương cho biết.
Theo đó, vào trưa chiều 9.7, nắng nóng cục bộ đã tấn công một số nơi thuộc khu vực phía tây Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, bắc và trung Trung Bộ nhiều nơi có nắng nóng. Sau đó nắng nóng lan tỏa trên diện rộng, cường độ nóng bức cũng tăng lên.
Chiều tối ngày 10.7, các trạm Khí tượng quan trắc được nhiệt độ cao nhất ở các địa phương có nắng nóng như sau: Thủ đô Hà Nội nóng 35,5 độ C; TP Phủ Lý (Hà Nam) 35,3 độ C; Nho Quan (Ninh Bình) cao hơn 35,7 độ C…, bắc và trung Trung Bộ nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi cao trên 37 độ C, như Tương Dương (Nghệ An) 37,3 độ C; Hương Sơn (Hà Tĩnh) 37,8 độ C. Hồi Xuân (Thanh Hóa) 38,3 độ C; tại đây đạt mức nắng nóng gay gắt.
Dự báo nắng nóng ở miền Bắc, bắc và trung Trung Bộ khả năng kéo dài khoảng 4-5 ngày tới. Bắc Bộ nhiệt độ cao nhất duy trì trong khoảng 35-36 độ C, có nơi cao hơn 36 độ C. Trung Bộ nóng hơn dao động từ 36-37 độ C, có nơi cao trên 37 độ.
Nhiều khả năng vào ngày 16-17.7, miền Bắc và Trung Bộ đón nhận một đợt mưa giông trên diện rộng. Nhiệt độ chùng xuống, chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài.
Lưu Minh Hải