Một thời lỡ hẹn với giảng đường
Tiếp chúng tôi tại nhà trọ chiều 10.7, ngay sau khi hoàn thành môn thi cuối của đợt thi thứ 2, bà Nguyễn Thị Phong cho biết, bà sinh ra trong một gia đình hiếu học tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương. Những năm học phổ thông, bà luôn là học sinh giỏi xuất sắc, và đã thi đậu vào Trường Đại học Thuỷ lợi. Nhưng do giấy báo nhập học bị lưu lạc nên bà đành lỡ hẹn với giảng đường đại học.
Bà Phong trò chuyện với các phóng viên. |
Sau đó, bà lên Nông trường 3.2 (tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) làm công nhân rồi tham gia học thêm và được phân công làm kế toán của nông trường. Năm 1978 bà lập gia đình. “Chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc và có với nhau đứa con trai, nhưng rồi sau đó, những mâu thuẫn cuộc sống đã làm cho vợ chồng tôi chia xa" - bà Phong tâm sự.
Sau khi xong thủ tục ly hôn, bà một mình mang đứa con trai vào Đà Lạt sinh sống. Bà bảo muốn đi xa để cố quên đi chuyện buồn của chuyến đò đời bị đắm. Tại Đà Lạt, bà đã làm đủ thứ nghề: Rửa bát, trồng rau, làm thuê, làm mướn và làm gia sư để nuôi con ăn học.
Con trai của bà học rất giỏi, và đã 2 lần đoạt giải cao học sinh giỏi toán quốc gia năm lớp 9 và lớp 12. Hiện nay con trai của bà là giám đốc một công ty lớn ở TP. Hồ Chí Minh, đã lập gia đình và có 2 đứa con trai.
Đã qua rồi một thời gian khó, nhưng bà lại mắc chứng bệnh đau đầu, đi nhiều nơi mà chữa không khỏi. Bố bà là một thầy thuốc giỏi của vùng Thanh Chương nên bà về quê để chữa bệnh. Tại quê nhà, bà gặp một vị đại tá quân đội về hưu và 2 người đã kết hôn.
Cả 2 vợ chồng con cái đều đã thành đạt, họ làm bạn già vui cảnh điền viên, nhưng những khát khao và ước mơ được đến giảng đường đại học luôn thôi thúc trong bà. Và bà đã quyết tâm ứng thí kỳ thi đại học lần này. Khi nói với con cái về ý định của mình, bà Phong đã được các con nhiệt tình ủng hộ. Thậm chí, cô con dâu ở TP.HCM cũng đã gửi về 3 bộ đề khối C để bà ôn thi.
Tấm gương về sự hiếu học
Sáng 9.7, tại hội đồng thi Trường THCS Hưng Bình, TP. Vinh, Nghệ An (địa điểm thi tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh), nhiều người ngỡ ngàng và bất ngờ khi thấy bà Phong đầu 2 thứ tóc "lều chõng" ứng thí.
Bà Nguyễn Thị Phong
Nhiều thí sinh và giám thị lúc đầu còn tưởng bà đưa con, cháu đi thi đã vào nhầm phòng. Nhưng sau đó sự xuất hiện của cụ bà ham học như "tiếp lửa" cho các sĩ tử làm tốt bài thi trong cái nắng như rang của miền Trung.
Thí sinh Phạm Hồng Tiến phát biểu: "Nhìn bác Phong đầu 2 thứ tóc đi thi đại học, chúng em rất khâm phục. Bác là tấm gương về sự hiếu học để cho thế hệ trẻ noi theo".
Sau mỗi buổi thi bà Phong đều được các thí sinh ngưỡng mộ vây quanh để hỏi chuyện. Bà tâm sự: "Về quyết định thi tuyển vào trường đại học là tôi muốn thử sức để không tụt hậu với lớp trẻ". Bà bảo, bà đã làm đề thi địa lý được khoảng 80% còn môn lịch sử 60% và môn văn khoảng 50%.
Tiến Dũng