Dân Việt

Giọng hát Việt: Sao lại không Việt?

12/07/2012 18:39 GMT+7
Mới ra đời ở Hà Lan năm 2010, đến nay các phiên bản The Voice đã phủ sóng tới hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến Việt Nam trở thành Giọng hát Việt. Nhưng Việt đâu chả thấy, chủ yếu thấy thí sinh hát tiếng Anh.

Mừng như giám khảo “bắt” được thí sinh Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Mừng như giám khảo “bắt” được thí sinh.  Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.

Sân khấu ca nhạc giờ đây đã sa sút tới mức người ta chấp nhận quy ước: Giọng hát hay không làm nên ca sĩ. Giọng hát hay có thể làm được những gì chưa biết, nhưng chắc chắn làm nên một chương trình thi hát truyền hình thành công nổi bật: The Voice- hiện tượng thi hát truyền hình quy mô toàn cầu.

Những tưởng tài năng ca hát của dân ta đã cạn kiệt sau khi bị các cuộc thi hát truyền hình liên miên tận thu, hóa ra không phải. Cấu trúc The Voice như tên gọi, đánh thẳng vào cốt lõi của nghệ thuật ca hát, tức là giọng và chỉ giọng hát.

Thậm chí giọng hay cũng chưa đủ mà phải hay đến phi thường. Lâu nay, thị trường giải trí chạy theo ảo tưởng hình thức và vũ đạo, vùi dập giọng hát. Nên các giọng hát rút về tổ. Nay có The Voice thì bay ra hót. Vì vậy mà đông vui thôi!

Nhạc sĩ trẻ Huy Trực nhận xét về số phát sóng đầu tiên của Giọng hát Việt trên Facebook: “Coi mà thấy rần rần trong người. Dân Việt mình hát hay đến vậy đó”.

Thế nhưng những thí sinh khá nhất, được giám khảo kiêm huấn luyện viên (HLV) ca ngợi nhiều nhất thì toàn hát tiếng Anh. Vì thế mà nick Sa… trên Facebook nghi ngờ: “The Voice nhiều giọng hát hay quá nhưng là hát tiếng Anh. Đa số hát tiếng Anh hay thì hát tiếng Việt kinh lắm”.

Vài ý kiến cực đoan lại cho rằng, nếu tiếng Anh toàn bài hay, có khả năng làm cho giọng hát và cảm xúc thăng hoa thế thì có khi thí sinh cũng chả cần đến bài tiếng Việt.

Xin thưa, tìm cách thăng hoa cảm xúc bằng bài hát tiếng Việt mới là việc của ca sĩ Việt Nam. Bạn là người Việt thì hát tiếng Anh có hay đến mấy cũng chỉ khiến một bộ phận người Việt Tây hóa sướng tai tạm thời mà thôi.

Khả năng cho bạn thành công trong thị trường hát tiếng Anh quốc tế là con số không, nếu không nói là âm. Đơn giản vì số lượng và chất lượng của các ca sĩ tiếng Anh bản ngữ đủ để cung cấp cho cả thế giới, không phải đợi đến Việt Nam.

Hơn nữa, đó còn là một thách thức đối với giám khảo. Nghĩ sao nếu giám khảo toàn hát tiếng Việt, thậm chí thành danh trong dòng nhạc gọi là “thị trường”, “sến” sẽ phải huấn luyện thí sinh hát tiếng Anh và tỏ ra khá có gu trong những dòng nhạc đang thịnh hành trên thế giới.

Trong suốt cuộc thi, sẽ đến lúc HLV hát cùng thí sinh. Và thử tưởng tượng thí sinh có giọng hát cỡ diva sẽ hát cùng HLV giọng “lạ” như Hồ Ngọc Hà.

Quán quân của The Voice nước Anh vừa xong là Leane Mitchell- một giọng nữ đầy, khỏe, quãng rất rộng, cung bậc biểu cảm rất đa dạng. Và người hướng dẫn cô là huyền thoại Tom Jones- từng được nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ vì những đóng góp cho âm nhạc. Ông sinh năm 1940.

Giám khảo trẻ nhất Jessie J. sinh năm 1988 đã là một tài năng ca hát và sáng tác được khẳng định ở tầm quốc tế.

Những vị giám khảo của The Voice Anh Quốc có thể chưa “thị trường” đến mức ở Việt Nam cũng phải biết đến nhưng qua những tiết mục họ thể hiện cùng thí sinh trên sân khấu, sẽ thấy họ xứng đáng làm thầy đến mức nào.

Giám khảo không chỉ có tài năng nổi bật được thừa nhận, mà còn phải có uy tín, ảnh hưởng rộng lớn ít ra ở tầm quốc gia.

Sẽ ra sao nếu giám khảo chỉ có ảnh hưởng trong một bộ phận khán giả trẻ, khán giả bình dân hoặc chỉ trong một bộ phận công chúng hiếu kỳ?! Nếu giám khảo chỉ hơn thí sinh về độ nổi tiếng thì có nghĩa là họ có thể lây được “bệnh” nổi tiếng cho thí sinh?!

Sau khi nghe Đàm Vĩnh Hưng liên tục câu kéo thí sinh về với mình bằng cách hứa hẹn sẽ làm cho họ “ngon lành”, tỏa sáng rực rỡ, có người đặt dấu hỏi: Tỏa sáng đến mức Dương Triệu Vũ chăng?! Dương Triệu Vũ vốn là ca sĩ có thể nói đã được Đàm Vĩnh Hưng đầu tư phát triển sự nghiệp kỹ lưỡng nhất trong số các “gà” của anh.

Giám khảo tốt nhất nên là người có đầy đủ khả năng chuyển giao nghệ thuật, chuyển giao thẩm mỹ cho thí sinh như những gì Tom Jones đã làm với Leane Mitchell. Nó là một cái gì đấy hơn hẳn quan hệ nhiều phần vụ lợi giữa “gà” và “người chăn gà”.

The Voice thu hút và làm bật lên những tài năng chính là nhờ cách cấu trúc (format). Riêng chi tiết giám khảo quay lưng lại để đánh giá thí sinh chỉ qua giọng hát đã dẫn tới nhiều tình tiết thú vị.

Đã có trường hợp khi quay lại, nhìn thấy thí sinh đẹp hoặc có giới tính đối lập với giọng hát, giám khảo Việt mới tỏ ra tiếc vì đã không bấm nút chọn. Đây là một minh chứng cho khả năng đánh lạc hướng của ngoại hình người hát.

Lấy giọng hát làm cốt lõi, The Voice bày ra đủ món hỉ nộ ái ố đảm bảo thu hút khán giả. Ở phần đầu của cuộc thi, không chỉ thí sinh mà giám khảo cũng phải đấu (khẩu) với nhau để mời thí sinh về với mình.

Ở phần giữa, khán giả sẽ thấy rằng người ta không chỉ chơi đấm bốc bằng nắm tay mà còn bằng giọng hát, khi cứ 2 trong số 10 thí sinh của cùng một HLV sẽ đấu giọng bằng cách song ca để rồi HLV chỉ được chọn 1 người đi tiếp. Khi mỗi HLV chỉ còn 1 thí sinh xuất sắc nhất, khán giả có toàn quyền quyết định.

Theo Tiền Phong