Dân Việt

Hỗ trợ cao nhất cho hộ dân tộc nghèo

13/07/2012 05:58 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 10.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 852/QĐ-TTg “Về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020”.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt chính sách tín dụng xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

img
Ngân hàng Chính sách giải ngân cho hộ nghèo.

Cụ thể, 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 3% tổng dư nợ; đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật; chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội...

Quyết định nêu rõ: Tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi về lãi suất phù hợp với khả năng, tài chính của Nhà nước và của đối tượng vay vốn ưu đãi trong từng thời kỳ. Mức độ ưu đãi về lãi suất phân biệt theo các nhóm đối tượng thụ hưởng, sẽ giảm dần và được thay thế bằng các hình thức ưu đãi về quy trình, thủ tục và điều kiện vay vốn. Mức ưu đãi cao nhất dành cho hộ đồng bào dân tộc nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Đối với hộ không thuộc diện nghèo nhưng được hưởng một số chính sách tín dụng ưu đãi, hộ cận nghèo thì lãi suất tiếp cận dần với lãi suất thị trường.

Về công tác quản trị ngân hàng, phải hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý điều hành ở 3 cấp T.Ư, tỉnh và huyện theo hướng tập trung quản lý thống nhất ở T.Ư, tinh giản các khâu trung gian, tăng cường hoạt động tại các điểm giao dịch lưu động ở xã, phường; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với sự tham gia, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tăng cường vai trò của chính quyền cấp xã... Trong phát triển nguồn nhân lực, chú ý đào tạo cán bộ làm ủy thác, cán bộ tiết kiệm và vay vốn có kiến thức cơ bản về kiểm tra, giám sát; phát hiện, phòng ngừa rủi ro; tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho người nghèo và các đối tượng chính sách...