Dân Việt

Thảm họa hài trên truyền hình

13/07/2012 07:48 GMT+7
(Dân Việt) - NSƯT Chí Trung đã thành thật khuyên khán giả: “Đừng nên xem hài trên truyền hình rồi nhận xét về sân khấu hài, vì đó chỉ là “hài mậu dịch”. Khán giả từ chỗ bức xúc đã chuyển sang trạng thái… lãnh cảm với hài.

Xem hài thấy… stress

Sự nở rộ của các kênh truyền hình đã khiến hài kịch trở thành một gia vị không thể thiếu, nhưng cũng chính vì thế mà cái thảm họa hài ngày càng lan rộng trên tất cả các kênh chứ không chỉ riêng “Thư giãn cuối tuần” của VTV3 (Xem NTNN số 166/2012).

img
Vân Dung và “tập đoàn” osin trong chương trình “Xả xì choét” trên Đài Truyền hình Hà Nội.

Đài Truyền hình Hà Nội có “Xả xì choét”, một chương trình được đánh giá là “nhảm vô đối” về chuyện osin nói xấu nhà chủ, con dâu nói xấu mẹ chồng. Kênh chuyên về hài SCTV1 của Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist thì liên tục bị khán giả la ó vì quá bí đề tài nên phải mang người khuyết tật, người thiểu năng trí tuệ ra chọc cười.

Ở hệ thống các kênh của Đài truyền hình TP.HCM, HTV2 là kênh rất chịu khó tìm tòi xây dựng, phát sóng các chương trình hài như “Tài – Tiếu- Tuyệt” hay gần đây nhất, ngày 7.7, kênh này chào hàng một món mới là “Tám thời- Chín sự”. Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC cũng xây dựng một xê-ri phim hài mang tên: “Gặp nhau để cười” mà theo đánh giá của khán giả là khá nhàm chán vì chỉ quanh đi quẩn lại từng ấy nghệ sĩ đã quá quen mặt ở các kênh: Công Lý, Quang Thắng, Xuân Bắc, Vân Dung, Quang Tèo, Giang Còi, Văn Hiệp…

Có khán giả nói, giờ đây bật TV lên mà gặp phải chương trình hài nào là y như rằng bị lên cơn…stress chứ không phải là để “xả xì choét” cho người xem như mục đích của hài. Nào là thấy Vân Dung chuyên trị vai osin nhưng lại dở người, nói như máy khâu, quần áo, băng đô xanh hồng vàng tím lên lớp cho chủ nhà đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.

Thấy hai ông Công Lý- Tự Long cứ giả ngô giả ngọng đối thoại với nhau toàn những chuyện mà ai cũng hiểu, xong vẫn cố tình làm cho rối rắm phức tạp. Thấy Xuân Bắc với chuyên gia Xoày Trọng Chấm ngồi “lừa miếng” nhau, chẻ sợi tóc làm tám, hoặc hỏi đáp tréo ngoe.

Thấy Quang Tèo - Giang Còi đóng giả nhà quê đuổi nhau thất tha thất thểu trên bờ ruộng hết từ kênh nọ đến kênh kia, lại thêm nữ nghệ sĩ Trà My vào vai bà vợ lắm điều của một trong hai ông cứ nhảy ngược lên ngoa ngoắt.

Hết chuyện phố, chuyện làng lại đến chuyện công sở, có người nói họ sởn gai ốc khi thấy ông Vượng Râu trông dặt dẹo nhưng lại vào vai sếp lớn ở văn phòng, rồi xung quanh có mấy anh diễn viên hài mới ra ràng, chưa “sạch nước cản” cứ xúm vào bợ đỡ, nịnh hót như nịnh vua chúa thời xưa.

Chuyển kênh vào trong mấy đài phía Nam thì thấy Minh Nhí, Minh Béo cười phe phé, Trấn Thành, Hoài Linh giả gái, có thêm Hạnh Thúy vào vai một chị “nhặt lá đá ống bơ” chửi cả bố mẹ là “hai chúng mày” xong lại lên Sài Gòn tuyển chồng nhoay nhoáy. Toàn những chuyện bị làm cho méo mó một cách quá mức để cố moi tiếng cười, nhưng quả thực, cái kiểu moi tiếng cười một cách cơ học đó đang làm mệt cho khán giả.

Không phải miễn phí

Một nghệ sĩ “già dơ” như Chí Trung đã từng thành thật tâm sự: “Hài trên truyền hình là hài xem miễn phí, hài "mậu dịch", ngay cả người thực hiện cũng chỉ coi là "chuyện thoáng qua" nên làm đơn giản, sơ sài. Rất ít những chương trình hài truyền hình được đầu tư kỹ càng về tâm, tài, tiền như “Gala Cười”, “Gặp nhau cuối năm”. Có lẽ chính bởi cái quan niệm hài trên truyền hình là “hàng miễn phí” tồn tại ngay trong chính các nghệ sĩ hài nên những gì khán giả được thưởng thức quả là không chịu nổi.

Cũng trong chương trình “Thư giãn cuối tuần” phát sóng ngày 7.7, nhiều khán giả đã phản ứng về tiểu phẩm 2 anh dân phòng cướp tiền của một bà đồng nát và mũ bảo hiểm của một cô gái khác đang dừng xe vì tội “không đội mũ bảo hiểm”. Tiếp đó, 2 người lại ra chặn một chiếc xe ô tô rồi nằm ra ăn vạ như Chí Phèo để đòi tiền. Nhiều người cho rằng đó là một cái nhìn méo mó, phi thực tế.

Nhưng hài trên truyền hình có phải hàng miễn phí thật hay không? Xin thưa chẳng có gì là “tình cho không, biếu không” cả. Đi đóng chương trình hài, nghệ sĩ được tiền cát xê phát sóng chương trình hài, nhà đài thu quảng cáo, bỏ thời gian xem hài, khán giả trả phí bằng thời gian, bằng tiền thuế đã nộp để nuôi các kênh truyền hình quảng bá hay tiền thuê bao hàng tháng cho truyền hình cáp. Tính chi ly ra là một cơ số tiền có thể góp gió thành bão. Thế mà cái khán giả nhận được chỉ là những món hài khiến họ thấy phản cảm, thấy bức xúc và dần dần là thấy lãnh cảm với hài.

Thì cứ cho là nghệ sĩ, là nhà đài thương khán giả, muốn họ được giải trí, thư giãn nên mới bỏ công bỏ của làm hài, nhưng ngược lại, khán giả cũng mong nghệ sĩ và nhà đài, đừng chạy theo số lượng, đừng để làm cho có, mà phải hết sức trách nhiệm với sản phẩm của mình. Thà rằng một tháng, một quý có một chương trình hài, mà phải ra tấm ra món, phải cười sạch sẽ, phải ngẫm thấy đau còn hơn là cái cái kiểu cười méo cả miệng như trúng gió như hiện nay.