Dân Việt

Cùng ngư dân cưỡi sóng Hoàng Sa: Giáp mặt tàu Trung Quốc

24/08/2012 15:08 GMT+7
(Dân Việt) - Đã 3 ngày tôi được lênh đênh cùng sóng nước Hoàng Sa. Mọi việc diễn ra suôn sẻ... Bất chợt một tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện và rượt đuổi con tàu của chúng tôi.

Giáp mặt tàu Trung Quốc

Suốt 3 ngày đi trên biển, hai cái máy bộ đàm Sea eagle 6900 của Sang vang lên liên tục không nghỉ. Mà trên màn hình chỉ hiện lên mấy cái số hiệu 97 hay 93… Hỏi Sang thì được biết:

Tất cả ngư dân đánh bắt ở ngư trường này hầu như ai cũng có những mật danh riêng. Đối với tàu của Sang, mật danh 97 đã nổi tiếng khắp miền Trung. Trong tay Sang có 30-40 mật danh của các tàu ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế… Khi liên lạc với nhau trên biển, ngư dân không gọi hẳn tên nhau mà dùng những mật danh là những con số như 93, 97 hay tên hiệu như Chà Và, Hai Ngàn…

img
Kéo cá trên biển Hoàng Sa.

Hiện nay mấy cái máy bộ đàm Sea eagle mà ngư dân miền Trung trang bị đã lỗi thời. Trời yên nhưng khi ra biển đã nghe tiếng rẹt rẹt với lào xào. Nếu như gặp trời dông thì chỉ có câm như hến. Hơn nữa, mỗi người mỗi vùng miền mà nói tên nhau thì không ai nghe rõ hết. Đâu phải tàu nào cũng được trang bị máy Icom VX 1700 như Sang đâu.

Tay cầm bộ đàm, tay kia Sang cho mở 3 máy của tàu tăng hết cần ga. Con tàu lướt nhanh trên sóng, phía sau khói đen bao trùm. Những con sóng biển Hoàng Sa như gầm lên khi tàu hải giám lao đến.

Vì vậy đặt số hiệu gọi cho nhau là thuận tiện nhất, ngắn gọn dễ nghe mà không để lộ vị trí đánh bắt. Mà tên gọi mỗi tàu cũng có “lịch sử” của nó. Như cái anh Hai Ngàn cách đây 10 năm khi ra biển chỉ mang theo có 2.000 đồng làm vốn. Nhưng nhờ biết cách làm ăn và giỏi canh luồng các nên bây giờ đã thành tỷ phú...

Con tàu Sang đã khá nặng khi mang trên mình hơn 30 tấn hải sản cùng hàng chục tấn nguyên nhiên liệu. Tàu bắt đầu chạy xuôi sang tọa độ 17,09E - 109,40N (cách Thừa Thiên - Huế 104 hải lý) để tiếp tục mua hải sản cho tàu QB - 91768. Khi anh em thuyền viên cùng nhau ăn bữa cơm trưa phía sau đuôi tàu, bất ngờ một con tàu lạ chạy với tốc độ 35 hải lý/giờ theo hướng tàu của Sang.

Thấy lạ vì ở trên vùng biển này làm gì có con tàu nào chạy nhanh đến như vậy. Anh Sang chạy lên đài chỉ huy để nhìn cho rõ. Bất ngờ giọng Sang hô to: Hải giám Trung Quốc anh em ơi. Nghe vậy anh em thuyền viên ai nấy đứng bật cả lên. Lúc này con tàu màu trắng đã xuất hiện rõ ràng, tiếng còi hú lên rõ to.

Tôi liền chụp cái máy ảnh để tác nghiệp nhưng Sang khẩn khoản: “Nhà báo ơi, đùng chụp. Hắn có ống nhòm. Hắn thấy có người chụp ảnh sẽ kêu trực thăng tới thì rầy rà to”.

Vẻ mặt lo lắng của Sang tôi không đành lòng bấm máy. Tôi hạ máy ảnh xuống mà tiếc hùi hụi.

Hiên ngang ngư dân Việt

Lúc này Sang bật chiếc máy ICOM VX 1700 chuyển sang kênh riêng của tổ đội hét lớn: 24, 24, 24… Đầu dây bên kia: Nghe rõ 97. Sang nói: 17,09E - 109,40N, 97 gặp hải giám Trung Quốc. Đầu dây bên kia nói nhanh: Tới liền 97. Cái máy bộ đàm Sea eagle đang được bật, Sang chụp lấy gọi: 23, 23... 97 gặp hải giám. Bên kia trả lời nhanh: Tới đây 97.

Sang tiếp tục chuyển kênh và nói lớn: Biên phòng, 97 gặp hải giám đuổi theo. Đầu dây bên kia nói nhanh: Ở chỗ nào, bao nhiêu tàu 97? Tay cầm bộ đàm, tay kia Sang cho mở 3 máy của tàu tăng hết cần ga. Con tàu lướt nhanh trên sóng, phía sau khói đen bao trùm. Những con sóng biển Hoàng Sa như gầm lên khi tàu hải giám lao đến.

Chạy vào hướng đất liền được 5 hải lý, tàu Sang gặp tàu QB - 91768 (số hiệu 23). Lúc này, anh em thuyền viên đã thấy yên tâm hơn nhiều. Ngay sau đó, tàu Đna - 90424 (số hiệu 24) cũng xuất hiện bên cạnh tàu của Sang. Lúc này tàu hải giám thấy nhiều tàu Việt xuất hiện nên giảm tốc độ và sau đó quay đầu chạy ra xa.

Được nghe ngư dân kể nhiều về việc hải giám Trung Quốc quấy nhiễu, rượt đuổi, nhưng thú thật, cái cảm giác ấm ức trong lồng ngực lần này mới hiện rõ trong tôi. Tôi không nguôi được cái cảm giác tiếc nuối không thể dùng máy ảnh ghi rõ hành vi của tàu hải giám trên vùng biển của cha ông mình. 3 con tàu quây lấy nhau cùng neo giữa biển trò chuyện. Những câu chuyện rôm rả, những con cá nục bông to bằng bàn tay, những thùng bia còn lại được đưa ra để ngư dân 3 tàu cùng nhau hàn huyên tâm sự.

Sang nhỏ nhẹ: “Cảm ơn mấy anh em nhé. Tàu mình cũng to thật, máy lớn nhất nhì miền Trung rồi mà chạy đua với nó cũng toát hết mồ hôi. Mình định gọi thêm mấy em nữa mà họ ở xa quá, chạy qua chạy lại cũng tốn dầu, hơn nữa tui biết nó không dám làm gì đâu. Dù sao đi nữa thì đây là đất của mình. Nhưng gặp tàu mình, chứ tàu mấy anh em khác là hắn rượt được rồi. Đợt này về, chắc mình cho tăng thêm công suất tàu.

Sau 6 ngày lênh đênh trên biển, chập tối 13.8, con tàu đã vào đất liền. Một chuyến đi để đời, với những nỗi niềm cùng sóng nước chất chứa trong lòng. Vịnh Đà Nẵng lại mở rộng vòng tay đón những đứa con mang lộc biển về với đất mẹ.