Ngày 2.10, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội công bố kết quả khảo sát tình hình thu – chi trong trường học, đã phát hiện khá nhiều sai phạm vô lý được núp bóng trong các khoản thu “nghiêm chỉnh”, ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Vấn đề lạm thu trong trường học lâu nay đã “lờn thuốc”... nhưng thực tế là chưa chữa đúng thuốc. Có rất nhiều những khoản thu vô lý được thống kê như: Mua sắm thiết bị, dạy tin học, dạy tiếng Anh, học 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ GDĐT nhưng phụ huynh vẫn phải đóng như học thêm... Những hiện tượng này không chỉ có ở Hà Nội, nếu các tỉnh thanh tra thì còn “khui” được ra vô số các vi phạm khác. Vấn đề không phải là nói mãi về lạm thu mà phải làm cách nào để chấm dứt nó.
Năm nào, Bộ GDĐT, các sở ban ngành cũng có công văn chấn chỉnh, xử lý và cấm lạm thu, dạy thêm học thêm dưới mọi hình thức, tuy nhiên vẫn chẳng khác nào “nước đổ lá khoai”. Vậy việc ban hành các văn bản thường kỳ ấy có cần thiết?
- Không có cái gì là cấm được cả, người dân họ thông minh hơn các cấp quản lý nhiều. Văn bản đưa ra hôm trước, hôm sau người ta đã tìm được cách lách luật. Có xử lý, phạt, cách chức lãnh đạo cũng chẳng bao giờ xử lý hết. Vì ta mới chỉ giải quyết cái ngọn còn gốc rễ thì vẫn được đào sâu chôn chặt khó mà thấy được.
Vậy theo ông phải làm thế nào để chấm dứt lạm thu?
- Không cải cách tư duy, mà trước tiên là tư duy của người lãnh đạo thì khó xoá được lạm thu. Phải làm rõ vấn đề công - tư trong cải cách toàn diện giáo dục. Trong đó, cái gì Nhà nước đã làm thì phải làm cho đầy đủ, không làm được thì để dân làm (xã hội hoá). Ví như việc xây trường, trả lương cho giáo viên... Nhà nước đầu tư làm thế nào cho đủ trường lớp, trang thiết bị dạy học để học sinh không phải lo các khoản đó, hay trả lương cho giáo viên, làm thế nào để họ đủ sống không phải dạy thêm, nữa. Như thế thì làm gì còn lạm thu.
Xin cảm ơn ông!
Tùng Anh (thực hiện)