Dân Việt

SỐC: "Hack" thành công… du thuyền siêu đắt

Tuấn Anh (theo Scienceblog) 31/07/2013 19:03 GMT+7
Nhóm nghiên cứu vô tuyến hàng hải thuộc Đại học Texas ở Austin, Mỹ đã sử dụng tín hiệu GPS giả mạo để "bẻ khóa" thành công chiếc du thuyền siêu đắt.

Giả mạo GPS là kỹ thuật tạo ra tín hiệu GPS dân sự giả để giành quyền kiểm soát hệ thống định vị của những con tàu và "dẫn" nó đi theo ý muốn. Mục đích của cuộc thử nghiệm là xác định độ an toàn của hệ thống định vị con tàu.

img

Todd Humphreys và nhóm nghiên cứu đã được mời lên du thuyền White Rose of Drachs trị giá 80 triệu USD khi nó di chuyển từ Monaco đến đảo Rhodes (Hy Lạp) trên biển Địa Trung Hải. Cuộc thử nghiệm đã diễn ra ngoài khơi bờ biển của Ý khoảng 48km, khi du thuyền ở trong vùng biển quốc tế.

Từ tầng trên của tàu, sinh viên vừa tốt nghiệp Jahshan Bhatti và Ken Pesyna phát tín hiệu GPS giả từ một thiết bị có hình dạng như một chiếc hộp màu xanh và kích thước bằng một chiếc cặp – nhằm vào hai ăng-ten GPS của con tàu. Bằng cách tấn công này, họ dần nắm quyền kiểm soát hệ thống định vị của tàu.

Không giống như chặn hoặc gây nhiễu tín hiệu GPS, hệ thống định vị của tàu không thể phân biệt được tín hiệu giả nên cuộc tấn công dễ dàng được thực hiện.

Khi kiểm soát được hệ thống định vị của tàu, nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh hướng đi con tàu trong khi những người điều khiển tàu không hề nhận ra vì các biểu đồ điện tử vẫn hiển thị rằng con tàu đang đi đúng hải trình.

Todd Humphreys cho biết: "Tất cả chúng tôi đều cảm thấy con tàu đi chệch hướng nhưng màn hình hiển thị cho thấy nó đang đi đúng lịch trình."

Du thuyền đã bị “lừa” đi vào hành trình song song với đường đi ban đầu hàng trăm mét.

Các nhà khoa học hy vọng màn biểu diễn của họ cho thấy giả mạo GPS là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tàu biển và các hình thức vận tải khác.

Todd Humphreys cho hay: "90% hàng hóa trên thế giới di chuyển bằng đường biển và hàng không nên chúng ta cần có nhiều kiến thức hơn về việc giả mạo GPS. Khi thực hiện thí nghiệm này, chúng tôi mới có những hiểu biết cụ thể về hành vi giả mạo và thật khó khăn để phát hiện các cuộc tấn công kiểu này."

Chandra Bhat, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải tại Đại học Texas, tin rằng thí nghiệm chỉ ra những lỗ hổng cực lớn của ngành giao thông vận tải. "Todd và nhóm nghiên cứu có thể dễ dàng kiểm soát một chiếc du thuyền đắt giá là bằng chứng cho thấy chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào việc đảm bảo an toàn cho hệ thống giao thông."

Humphreys cho biết thêm: "Thí nghiệm này cũng được áp dụng cho phương tiện vận tải bán tự động khác, chẳng hạn như máy bay. Chúng ta phải nghiên cứu phương án giải quyết mối đe dọa này một cách nhanh chóng. Điều quan trọng là tất cả mọi người và đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng, giả mạo GPS là một mối đe dọa cho giao thông vận tải."