Thiếu tướng Châu Văn Mẫn. |
Với ông, tuổi 20 ngày ấy còn có ý nghĩa đặc biệt vì ông đã được đắm mình trong thử thách chiến đấu để có một ngày hòa bình, yên ấm. Đó là những ngày được ghi khắc bằng nước mắt, bằng máu của chính ông và bằng cả sự hy sinh anh dũng của bao bạn bè, đồng đội cùng thời.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, Thiếu tướng Châu Văn Mẫn kể lại: "Ở trong tù Đảng bộ đã phát động phong trào học tập chính trị, văn hóa, văn nghệ để nâng cao trình độ cho anh em tù nhân, cũng là một cách để xoa dịu những nỗi đau về thể xác mà những người tù cộng sản phải gánh chịu. Bên cạnh đó, một kỷ niệm không bao giờ quên với tôi đó chính là tờ nội san mang tên "Xây dựng" với tôn chỉ, mục đích tuyên truyền cách mạng, ra đời ngay trong vòng kìm kẹp của giặc".
Thiếu tướng Châu Văn Mẫn hồi tưởng lại những ngày làm báo trong lao tù: "Hồi đó, tờ "Xây dựng" là tài liệu học tập, giác ngộ cách mạng vô cùng quý giá của anh em tù chính trị tại Trại 6B-Côn Đảo.
Ban đầu mỗi số báo chỉ xuất bản 1 cuốn nhưng do nhu cầu đọc quá nhiều, gần 800 tù nhân chuyền tay nhau đọc, đến những người cuối cùng thì tờ báo đã nát, chữ không rõ nên Đảng ủy Lao 6B quyết định tăng lên 2 cuốn/kỳ để phục vụ nhu cầu đọc của tù chính trị". Tờ nội san "Xây dựng" được ra 10 số trong điều kiện kiểm soát gắt gao của địch.
Đầu năm 1974, do nhận thấy tính chất nguy hiểm của tù chính trị ở Lao 6B, chúng quyết định xé lẻ tù nhân chính trị ở Lao 6B ra các lao khác. Châu Văn Mẫn cùng một số tù chính trị khác bị đưa vào chuồng cọp số 7, còn gọi là Trại 7. Tờ nội san "Xây dựng" không thể tiếp tục xuất bản nữa.
Tháng 3-1975 ta giải phóng Buôn Ma Thuột - Tây Nguyên. Tối 2-5, bộ đội Hải quân ra tiếp quản Côn Đảo. Nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc của ngày đầu Côn Đảo được giải phóng, Thiếu tướng Châu Văn Mẫn tâm sự: "Tôi vinh dự được là một trong những người trong đoàn quân từ Côn Sơn sang giải phóng và tiếp quản sân bay Cỏ Ống".
Hiện nay, người cựu tù Côn Đảo Châu Văn Mẫn đang đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Tuy chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm, nhưng trong lòng ông, ký ức về những ngày tháng sống và chiến đấu ở Côn Đảo không bao giờ phai.
Khánh Huyền