Một buổi sinh hoạt nhóm lồng ghép SKSS-TD/TK-KN của tỉnh Phú Thọ. |
Trong những năm qua, T.Ư Hội NDVN đã phối hợp với 7 tỉnh tham gia dự án UNFPA, gồm Hà Giang Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Thuận, Tiền Giang, Bến Tre và Kon Tum để xây dựng và phát triển mô hình “Nhóm lồng ghép sức khỏe sinh sản với hoạt động tín dụng, tiết kiệm, khuyến nông (SKSS-TD/TK-KN)”.
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng ban Ban Xã hội - Dân số và Gia đình (T.Ư Hội NDVN)
Năm 2010, T.Ư Hội chọn thêm Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận để triển khai thí điểm mở rộng mô hình. Đến tháng 8-2010, Hội ND 10 tỉnh trên đã thành lập được 515 nhóm lồng ghép SKSS-TD/TK-KN với 13.735 thành viên ở 24 huyện và 129 xã tham gia.
Nhiều cách làm sáng tạo
Ông Đặng Ngọc Hà - Phó Ban Văn hóa- Xã hội tỉnh Tiền Giang cho biết, mô hình "Lồng ghép truyền thông DS/SKSS -TD/TK-KN" được thực hiện ở Tiền Giang tại huyện Cai Lậy từ năm 2007 với hình thức sinh hoạt theo mỗi nhóm từ 25-30 chị em.
Sau các buổi sinh hoạt ban đầu khá e dè, các chị đã mạnh dạn trao đổi với nhau về các vấn đề liên quan đến sức khỏe phụ nữ như: Làm mẹ an toàn, chăm sóc phụ nữ trước, trong và sau khi sinh, KHHGĐ... Đến nay, Tiền Giang đã xây dựng được 100 nhóm ở 19 xã.
Bà Lê Thị Quỳnh - Phó Ban tuyên huấn Hội ND tỉnh Phú Thọ, cho biết, tỷ lệ ND ở Phú Thọ chiếm 75% dân số. Tình trạng sinh con thứ 3, đẻ dày, trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn nhiều, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao. Sau 7 năm thực hiện dự án, tỉnh đã xây dựng 232 CLB Dân số - phát triển và 80 nhóm lồng ghép DS/SKSS - TK - KN.
Hội ND "mạnh tay" chống bạo hành gia đình
“Bạo hành gia đình (BHGĐ) là "ung nhọt" tiềm ẩn ở hầu hết tỉnh thành trong cả nước. Để cắt bỏ nó cần có sự ra tay mạnh mẽ của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội, đặc biệt là các cấp Hội ND" - ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) bày tỏ.
Ông Bùi Quang Tạo- Chủ tịch Hội ND tỉnh Bến Tre cho rằng, BHGĐ thường xảy ra ở các vùng nông thôn nghèo. Nạn nhân của bạo hành do không hiểu biết pháp luật, hoặc kinh tế khó khăn, phụ thuộc mà chấp nhận cam chịu. Ông dẫn giải, Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại là ấp thuần nông, đời sống bà con đã được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, tư tưởng đàn ông gia trưởng vẫn hiện diện ở nhiều gia đình. Chuyện đánh đập, hành hạ vợ con đối với các ông chồng vẫn hay xảy ra. Đầu năm 2009, ấp Tân Hưng thành lập 2 nhóm ND, được tập huấn về kỹ năng truyền thông, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật…
Từ đó, họ tổ chức các lớp sinh hoạt, giúp người dân nhận biết được đâu là hành vi bạo lực gia đình, nguyên nhân hậu quả của nó, vai trò trách nhiệm của đàn ông trong gia đình…
Trong vấn đề giúp ND "nói không" với BHGĐ, một đại biểu tỉnh Bình Thuận cho biết, từ năm 2005 đến năm 2008, tòa án địa phương của tỉnh đã thụ lý, giải quyết 3.535 vụ án về hôn nhân và gia đình, trong đó 1.988 vụ có nguyên nhân từ bạo hành.
Chính vì vậy, Hội ND đã triển khai thực hiện ngay các giải pháp khi Luật Phòng chống BHGĐ có hiệu lực (7-2008). 100% Hội ND các cấp đều là thành viên của Ban chỉ đạo mô hình Phòng chống BHGĐ.
Vũ Vân Anh