Dân Việt

10 công dân ưu tú của Thủ đô là ai?

26/08/2010 14:40 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 23-8 vừa qua, lần đầu tiên, Hội đồng thi đua khen thưởng TP.Hà Nội đã chọn 10 công dân ưu tú tiêu biểu của Thủ đô trong số 22 người được các ban ngành đề cử lên.

Họ là những người tiêu biểu của các ngành, lĩnh vực và có nhiều đóng góp cho Thủ đô Hà Nội. Dự kiến, 10 đại biểu ưu tú này sẽ được trao tặng danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô vào dịp Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội (ngày 28-8-2010).

Anh hùng trên đồng ruộng

Ông Nguyễn Đắc Hải sinh năm 1963, sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội - vùng đất được ví là nơi là "cấy cắn răng, gặt há mồm" bởi chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng.

img
 Ông Nguyễn Đắc Hải (phải) đang chăm sóc cây cảnh

Ngay từ những năm tháng tuổi thơ, Nguyễn Đắc Hải đã được chứng kiến nỗi cơ cực, vất vả của người dân quê. Hiểu và thấm thía nhưng không phải để rời bỏ làng quê mà để nuôi ý chí vươn lên, lập nghiệp, làm giàu từ đồng đất quê nhà.

Năm 1988, ông nhận thầu 10ha thuộc khu đồng hoang đầm lầy của xã để xây dựng trang trại trồng lúa, nuôi cá và nuôi trai phục vụ nghề khảm trai truyền thống ở địa. Sau 30 năm quy mô trang trại của ông đã mở rộng gấp 6 lần.

Mỗi năm, khu trang trại rộng 60ha của ông thu hàng chục tấn hạt sen, hàng chục tấn cá, hàng vạn quả trứng vịt và một số lượng lớn cây ăn quả, cây cảnh với tổng doanh thu lên tới gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 60 lao động ở địa phương với mức lương từ 1 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Nhiều năm liền, ông Nguyễn Đắc Hải được công nhận là nông dân SXKD giỏi của tỉnh Hà Tây (cũ) và TP.Hà Nội. Đặc biệt, năm 2000, thành tích làm kinh tế trang trại giỏi của ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Hiện ông là Chủ tịch Hội ND xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội).

Được vinh danh là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú 2010, ông Nguyễn Đắc Hải cho rằng: “Đây là một vinh dự lớn lao, tuy nhiên tôi cũng nhận thấy rằng điều này cũng sẽ là một áp lực lớn, áp lực phải phấn đấu nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa, làm nhiều việc có ích hơn cho Thủ đô”.

Ông Nguyễn Đắc Hải chia sẻ, ông muốn tạo ra những vùng rau sạch, an toàn, những vùng thực phẩm sạch để cung cấp cho Hà Nội. Ông đang dự định sẽ mở rộng quy mô trang trại khoảng vài trăm hecta, từ đó xây dựng những vùng chăn nuôi trồng trọt tập trung thu hút nhiều lao động địa phương. Khu trang trại của ông sẽ là nơi tham quan giao lưu học hỏi của nhiều nông dân khác để cùng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn.

Người lính Cụ Hồ 30 năm "vác tù và"

img
Ông Lê Văn Bằng

Sinh năm 1933 tại Việt Yên (Bắc Giang), năm 19 tuổi, chàng trai trẻ Lê Văn Bằng lên đường nhập ngũ. Sau đó ông đã cùng đơn vị tiến quân lên Tây Bắc và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 30 - 10 - 1954, ông chuyển sang Cục Vận tải của Tổng cục Hậu cần làm lái xe chở quân trang, quân dụng cho các đơn vị bộ đội tập luyện. Năm 1964, ông vào Trường Sơn và được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 871 rồi chỉ huy Trung đoàn 17 thuộc Sư đoàn 571 (Bộ Tư lệnh Đoàn 559) làm nhiệm vụ vận chuyển phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong 25 năm quân ngũ, tham gia nhiều trận chiến ác liệt với quân thù, ông Bằng đã 3 lần đối mặt với tử thần nhưng đều may mắn thoát chết. Ông nhớ lại: "Tôi bị thương lần đầu tiên ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trong một trận quyết chiến với giặc Pháp, tôi bị một viên đạn xuyên thẳng vào bẹn. Rất may lúc đó trong túi quần của tôi có chiếc khăn mặt bông ướt nên viên đạn mới không đi vào thịt quá sâu...”.

Lần thứ 2 ông Bằng bị thương là ở trong rừng Trường Sơn năm 1972. Tháng 11 năm đó, ông Bằng thêm một lần đối mặt với tử thần khi bị bom B52 dội trúng hầm trực chiến chỉ huy vận tải tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Dưới sức ép khủng khiếp của bom, ông Bằng bị chảy máu tai, tức ngực và bất tỉnh. Sau lần bị thương này, sức khỏe giảm 24%.

Tháng 4 - 1977, ông ra quân với quân hàm Thượng tá cùng nhiều huân, huy chương. Ông chuyển sang làm Phó Giám đốc kỹ thuật của đoàn xe thực phẩm tươi sống thuộc Bộ Nội thương.

Dù năm 1990 mới về hưu nhưng trước đó 10 năm, ông Bằng đã được UBND phường Kim Mã, quận Ba Đình tín nhiệm giao làm Tổ trưởng tổ dân phố 50. Vừa công tác tại cơ quan, vừa lo việc phố phường nhưng ông luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Trong suốt 30 năm gắn bó với vai trò Tổ trưởng tổ dân phố, ông Bằng đã hòa giải thành công hàng ngàn trường hợp mâu thuẫn, bạo lực gia đình và giữa các gia đình trong khu phố.

Bà Phạm Thị Nại vợ ông đã quá quen với việc cứ nửa đêm nghe thấy tiếng gọi cửa là người chồng gần 80 tuổi lại tất tả mặc áo ra đi. Có những sự việc kéo dài đến cả năm trời nhưng ông vẫn kiên trì, không bỏ cuộc. 3 đối tượng nghiện hút trên địa bàn phường, nhờ sự động viên, giúp đỡ của ông đã cai được ma túy và ổn định cuộc sống.

Tháng 2 - 2010 vừa qua, ông Bằng bị tai biến mạch máu não phải nằm viện nhiều ngày. Thế nhưng ngay sau khi được xuất viện về nhà, ông lại cần mẫn tập đi với cái nạng 4 chân để rồi sớm trở lại với công việc.

 
8 gương mặt tiêu biểu khác

1. Giáo sư Vũ Khiêu (SN 1926) là một trong những soạn giả có nhiều đóng góp và tâm huyết các công trình nghiên cứu đồ sộ về Hà Nội như: Tổng tập văn hiến Thăng Long, Bách khoa thư Hà Nội.., là Chủ tịch Hội đồng dự án tủ sách ngàn năm Thăng Long và rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về Thủ đô Hà Nội.

2. Giáo sư sử học, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (SN 1934) là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam, giáo sư dành nhiều công sức nghiên cứu về lịch sử Hà Nội xưa và nay. Các hồ sơ "Hoàng thành Thăng Long", "Lễ hội Phù Đổng", "Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám" là thành quả và sự sáng tạo do giáo sư là Chủ biên đã được UNESCO đánh giá rất cao...

3. Ông Hoàng Vĩnh Giang (SN 1946) là người có nhiều công lao trong việc đào tạo những thế hệ vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài có đẳng cấp quốc tế của Thủ đô Hà Nội.

4. Bà Trần Mai Anh (SN 1973) là phụ nữ Hà Nội có tấm lòng nhân ái, mặc dù đã có 2 con trai nhưng đã cùng với chồng đón cháu bé ở Quảng Nam bị mẹ đẻ bỏ rơi về làm con nuôi. Hàng năm liên tục đưa cháu đi 14 bệnh viện trong và ngoài nước để chữa trị, giúp cháu hoà nhập với cộng đồng.

5. Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (SN 1971), hoạ sĩ báo Hà Nội mới. 4 năm trước, bà khởi xướng và tổ chức thực hiện dự án "Con đường gốm sứ ven Sông Hồng", thu hút hàng chục hoạ sĩ trong và ngoài nước tham gia, hàng trăm nghệ nhân và thợ thủ công của nhiều làng nghề gốm góp mặt...

6. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (SN 1951) - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ông tham gia chủ biên và biên soạn nhiều sách y khoa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, trực tiếp làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp thành phố, 2 đề tài khoa học cấp bộ... Năm 2009 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu " Thầy thuốc nhân dân".

7. Ông Vũ Ngọc Minh (SN 1949) - Chủ tịch HĐQT Công ty Kim khí Thăng Long. Sau nhiều năm lãnh đạo công ty này, ông đã đưa một đơn vị nhỏ bé, chuyên sản xuất "bếp dầu, đèn bão..." thời bao cấp trở thành đơn vị sản xuất cơ khí hàng đầu thành phố về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, nộp ngân sách (40 tỷ đồng, năm 2009), đời sống người lao động đảm bảo.

8. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc (SN 1926), là người chuyên nghiên cứu về Hà Nội. Ông viết về Hà Nội từ trên 50 năm nay với rất nhiều đầu sách, phong phú đa đạng về thể loại, đồ sộ về khối lượng.