Dân Việt

Ngao ngán vì… ngao

26/08/2010 23:15 GMT+7
(Dân Việt) - Chưa hết sốc vì thất bát trong vụ ngao năm 2009, những người nuôi ngao ở xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, Thái Bình lại bị tăng tiền thuê bãi nuôi ngao lên gần gấp ba lần. Cuộc sống của những người nuôi ngao đang rất khó khăn…
img
Ông Xuấn phản ánh việc tăng tiền thuê bãi của chính quyền xã Đông Minh.

Khổ vì tăng tiền thuê bãi

Cuối tháng 7, hơn 100 hộ dân ở các thôn Minh Châu, Đồng Châu của xã Đông Minh đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi chính quyền các cấp của Thái Bình phán ảnh về quyết định tăng tiền thuê bãi của chính quyền xã Đông Minh. Sở dĩ người dân phải gửi lá đơn trên là bởi, vào ngày 25-6 vừa qua, UBND xã này đã gửi thông báo đến các hộ nuôi ngao về việc thanh lý hợp đồng và nộp tiền thuê đất bãi triều ngập mặn.

Theo đó, UBND xã Đông Minh cho rằng, thời hạn thuê đất nuôi ngao trước đây đã kết thúc (ngày 31-7 vừa qua), nên để được gia hạn thêm thời gian thuê 3 năm nữa (từ 1-8-2010 đến 31-7-2013), người dân sẽ phải nộp 20 triệu đồng/năm cho mỗi ha và nộp “cả gói” 3 năm, tức 60 triệu đồng/ha mới được thuê bãi để nuôi, trong khi số tiền thuê trước đây của người dân chỉ là 3 triệu đồng/ha.

Cầm trên tay tờ thông báo đó, đến giờ ông Bùi Văn Xuấn, thôn Đông Chai, Đông Minh vẫn chưa hết lo lắng. Nói về cảnh ngộ của mình, ông Xuấn kể, năm 2007, xã Đông Minh cho đấu thầu đất bãi triều để nuôi ngao, gia đình ông kết hợp với 15 anh em trong nhà đấu thầu được 1ha với thời hạn 3 năm. Ngoài diện tích trên, ông còn xin chuyển nhượng thêm 0,5ha nữa, tổng cộng là 1,5ha.

Theo ông Xuấn, là dân biển, xác định bám biển mưu sinh, nên gia đình ông đã phải gom góp, vay mượn khắp nơi để đầu tư, cải tạo đầm bãi. Những năm qua, con ngao như thử thách lòng kiên nhẫn của con người nên “chơi với ngao” mất nhiều hơn được. Vụ này, ông Xuấn nghĩ nếu mọi thứ tốt đẹp, gia đình ông sẽ kiếm được chút vốn bỏ ra, nào ngờ…

Ông Xuấn cho biết, xã Đông Minh đã ra thông báo buộc gia đình ông phải nộp một “cục” là 90 triệu đồng khoán cho 1,5ha đất bãi. Nếu phải đóng số tiền trên, gia đình ông cũng không biết xoay xở ở đâu.

Nguy cơ trắng tay

img Xã Đông Minh có 1.500 hộ (trên tổng số 2.450 hộ) có tiền đầu tư nuôi ngao ngoài bãi. Trong số những hộ nuôi ngao có 1/3 số hộ có lãi, 1/3 lãi chút xíu hoặc là huề vốn, còn 1/3 đang lỗ. img

Ông Tô Văn Tiến - Phó Chủ tịch xã

Khi chúng tôi về xã Đông Minh, trên nét mặt người nuôi ngao ở đây, ai cũng hiện lên một nỗi lo âu. Theo phản ánh của nhiều người dân, chính quyền xã đã liên tục ra “khẩu dụ” yêu cầu người nuôi ngao nộp tiền ngay, nếu không sẽ thu hồi lại bãi giao cho người khác.

Ông Thuấn, một chủ nuôi ngao nói: “Thường mỗi vụ ngao, phải nuôi khoảng 16-18 tháng mới được thu hoạch, vụ này tôi và các gia đình khác mới nuôi được chừng gần 1 năm, ngao vẫn chưa cho ruột, vì thế nếu xã thu lại bãi vào thời điểm nay, có khác gì ép chúng tôi vào đường cùng, mà tiền thì biết lấy đâu ra để mà nộp”.

Ngay tại thời điểm chúng tôi về xã Đông Minh, hiện tượng ngao chết vẫn đang tiếp diễn, có chủ hộ nuôi ngao giống bị thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Ở Đông Minh, sau vài trận dịch vừa qua, ngao chết hàng loạt, nên nhiều người sạt nghiệp vì giống vật nuôi tưởng dễ mà khó này. “Nuôi ngao rủi ro rất lớn. Khi ngao chết, muốn vớt vát lại vốn thì không có nghề gì bù đắp được ngoại trừ tiếp tục gắn bó với ngao! Công sức mình bỏ ra tu bổ đầm bãi, bỏ là coi như chết!” - ông Xuấn tâm sự.

Ép dân… tự nguyện

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được ông Tô Văn Tiến- Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh, người trực tiếp ký vào thông báo yêu cầu nộp tiền gửi các hộ dân.

Ông Tiến cho hay: “Tại kỳ họp thứ 13 của HĐND xã vừa qua, có đơn của một số bà con nuôi ngao phản ánh rằng, tháng 6-2009 ngao bị bệnh chết nhiều, do vậy, bà con muốn kéo dài hợp đồng để nuôi thả, lấy lại vốn đầu tư. HĐND xã đã đồng ý cho kéo dài và giữ nguyên giá bỏ thầu của năm 2007. Trong thông báo của UBND xã đưa xuống cho các hộ, chúng tôi giữ nhiều mức. Dựa vào thực tế một số diện tích bãi ngao trước chỉ bỏ thầu 5-10 triệu để cho người ta cải tạo, nhưng sát ngay bên cạnh đó có hộ lại thuê 20 triệu đồng nên HĐND, UBND xã có cho phép kéo bằng để đỡ thiệt thòi cho những hộ bên cạnh”.

Cũng theo ông Tiến, đối với những hộ nuôi ngao bị thiệt hại 100% trong năm 2009, HĐND xã cho phép kéo dài thêm 1 năm hợp đồng và thu làm 2 lần (năm thứ nhất nộp 50% và năm thứ hai nộp nốt phần còn lại).

Về căn cứ đưa ra mức thuê bãi nuôi ngao, ông Tiến cho rằng: “Bãi triều ở Đông Minh màu mỡ, có thể nuôi 60 tấn ngao/ha, vì thế nếu chuyển nhượng, thì giá 1ha đất bãi của Đông Minh ít nhất cũng khoảng 150-200 triệu đồng/ha, trong khi ở các xã liền kề chỉ có 30 triệu đồng/ha. Số tiền 20 triệu đồng/ha/năm này khi thu sẽ ghi rõ đóng tiền thuê cho nhà nước khoảng 2 triệu đồng, còn tự nguyện xây dựng cơ sở hạ tầng như: Hội trường, trường học, trạm xá, làm đường, rồi nước sạch... để đảm bảo lợi ích cho người dân”.

Thế nhưng, nói như một chủ nuôi ngao (xin được giấu tên): “Rõ ràng xã biết người nuôi ngao đang gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ họ lại bắt người dân đóng tiền tự nguyện, mà muốn tự nguyện thì phải có tiền, không lẽ chúng tôi lại phải đi vay lãi để đóng tiền tự nguyện”.