Dân Việt

Giá đắt cho sự lơ là

27/08/2010 09:44 GMT+7
(Dân Việt) - UBND tỉnh Nghệ An vừa có công điện phê bình UBND TP. Vinh, Công ty Công viên cây xanh thành phố do đã để xảy ra thiệt hại lớn.

Công điện nêu rõ: Mặc dù UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo từ ngày 16-8 nhưng đơn vị này vẫn chưa chủ động cắt tỉa cành cây và chống đỡ, tháo dỡ biển quảng cáo để thiệt hại lớn xảy ra...

img
Rất nhiều cây xanh ở TP. Vinh (Nghệ An) gãy đổ vì đã không được cắt tỉa kịp thời.

Chủ quan, coi nhẹ cảnh báo bão

Cơn bão số 3 để lại hậu quả nặng nề về người và của đối với tỉnh Nghệ An. Riêng thiệt hại về người đã có 6 người chết, 2 người mất tích, hàng ngàn cây xanh bị gãy đổ, hàng chục ngàn ha lúa ngập úng...

Theo đánh giá ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Nghệ An, thiệt hại do bão số 3 gây ra cho tỉnh này là hơn 900 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân chủ quan khiến hậu quả cơn bão càng thêm nặng nề là do tâm lý chủ quan và coi thường diễn biến của bão.

Ngay sau khi áp thấp nhiệt đới chuyển lên thành bão, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi được 4.482 tàu thuyền và 23.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản vào bờ neo đậu các bến an toàn; di dân tránh bão tránh nước dâng và triều cường cho 1.817 hộ với 9.210 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, ngay trước khi cơn bão đổ bộ, rất nhiều thuyền viên ở các huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu đã tìm cách trở ra biển, chỉ khi có sự cưỡng chế của bộ đội biên phòng mới chịu trở vào. Nhiều thuyền tàu bị bão đánh chìm khi không nhận được sự chỉ đạo của Ban phòng chống bão lụt.

Tâm lý chủ quan coi nhẹ cảnh báo bão đã để lại hậu quả đáng tiếc về tính mạng như trường hợp của cháu Nguyễn An Khánh ở xóm Tân An, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu. Cháu Khánh bị sóng biển cuốn đi trong khi gia đình đã sơ tán về trường cấp 3 huyện Quỳnh Lưu.

Ngay cả TP.Vinh cũng chuẩn bị phòng chống bão chưa tốt, chưa rốt ráo trong việc chặt tỉa cành các cây cổ thụ trên các tuyến đường, chưa chuẩn bị neo buộc nhà cửa, nạo vét mương cống. Khi bão đổ bộ vào kèm theo mưa lớn đã gây hậu quả nặng nề, hàng ngàn cây xanh gãy đổ. Nếu có hàng tỷ đồng cũng không thể đổi lại lấy cây xanh vừa qua bị bão giật gãy. Theo tìm hiểu của chúng tôi nhiều cơ quan không cắt cử nhân sự chống bão ở cơ quan, nên rất nhiều cây cảnh và mái che, cửa kính đã bị gãy đổ, vỡ nát chỉ trong một đêm.

Tan tành ký túc xá sinh viên

Công điện hỏa tốc được UBND tỉnh Nghệ An gửi đi vào ngày 25-8 về việc phê bình UBND TP. Vinh và các thành viên liên quan, nhưng trao đổi qua điện thoại với chúng tôi vào 14 giờ 15 phút ngày 26-8, ông Hoàng Đăng Hảo - Chủ tịch UBND TP. Vinh, nói chưa hề nhận được công văn hay công điện gì hết về việc phê bình.

Khi tâm bão đi vào thành phố Vinh và các huyện lân cận với cường độ mạnh thì hàng trăm sinh viên nội trú tại hai dãy nhà E1 và E2 (ký túc xá sinh viên Trường CĐSP Nghệ An) vô cùng hoảng loạn và khiếp đảm.

Toàn bộ dãy nhà E2 chỉ còn lại “bộ khung”, mái tôn bị gió tốc hất văng xa hàng chục mét, toàn bộ trần nhà bằng tre đan bị thủng dột từng lỗ to...

Đồ dùng học tập, sinh hoạt của hàng trăm sinh viên như quần áo, chăn gối, màn và nhiều tư trang khác bị cuốn bay sạch. Sách vở cũng nát như tương, dưới sàn nhà nước mưa lênh láng. Những tảng ximăng bị mục nát do mưa và gió tạt rơi xuống kín cả nền nhà, cửa kính của các phòng ở bị vỡ vụn hoàn toàn.

Một sinh viên năm thứ 2, khoa Ngoại ngữ trường này cho biết: “Lúc đầu nước chỉ tạt bình thường, nhưng sau hơn một tiếng đồng hồ gió giật mạnh cộng mưa lớn và mái nhà bắt đầu rung lên và bị tốc mái. Bọn em lúc đó vô cùng sợ hãi và hoảng loạn chỉ ôm nhau khóc”.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Mạnh Hùng - Trưởng Ban quản lý ký túc xá sinh viên Trường CĐSP Nghệ An cho rằng: “ký túc xá của trường được xây dựng từ năm 1990 nên đã cũ... Tôi nhận lỗi rằng chúng tôi không có mặt trong lúc nước sôi lửa bỏng. Tuy nhiên chúng tôi rất cố gắng để tiếp cận ở đây. Khoảng 20 giờ 30 tôi có gọi cho thầy Trần Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhưng điện thoại không có tín hiệu nên chỉ nhắn tin thôi” (?!).