Nhưng vụ việc không chỉ dừng lại ở việc xử lý doanh nghiệp, mà phát sinh những vấn đề khác đòi buộc chính quyền phải giải quyết. Sau khi vụ việc xảy ra, Công ty Vinamit đóng cửa ngừng sản xuất để khắc phục hậu quả.
Cụ thể là đấu nối hệ thống xả thải trên đại lộ Bình Dương do Công ty Becamex làm chủ đầu tư. Công ty Vinamit đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương xin được tháo gỡ nút thắt này để nhà máy trở lại hoạt động.
Trong lúc chờ đợi chính quyền giải quyết, Công ty Vinamit không tiếp nhận nguyên liệu nông sản của nông dân. Trung bình mỗi ngày, công ty này thu mua khoảng 100 tấn củ, quả các loại để sản xuất, chế biến. Nay do nhà máy ngừng hoạt động nên hàng hóa của nông dân bị ứ đọng. Hơn 500 công nhân của công ty cũng phải nghỉ việc. Họa đổ xuống đầu nông dân và người lao động do lỗi vi phạm của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là phải xử lý vi phạm đúng quy định của pháp luật, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất để hạn chế tối đa thiệt hại cho tất cả các bên.
Doanh nghiệp vi phạm về môi trường thì phải bị xử lý, nhưng chính quyền cũng có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, tạo điều kiện cho 100 tấn nông sản được tiêu thụ trở lại mỗi ngày, giải quyết đời sống cho hàng trăm hộ nông dân, các đơn vị kinh doanh dịch vụ và giải quyết việc làm cho 500 công nhân.
Chìa khóa để khắc phục hậu quả của Công ty Vinamit là đấu nối được hệ thống xả thải của đơn vị vào hệ thống trên xa lộ Bình Dương. Nhưng vướng mắc ở chỗ là phải được sự đồng ý của chủ đầu tư. Hai bên chưa có sự đồng thuận, nên cần đến sự can thiệp của chính quyền.
Nếu chính quyền địa phương giải quyết được khúc mắc này cho Công ty Vinamit thì doanh nghiệp này có điều kiện để xử lý nước thải đúng theo yêu cầu. Việc làm này không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp mà vì lợi ích chung của cộng đồng. Công ty tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, các cơ quan chức năng vẫn thực hiện xử lý vi phạm. Làm như vậy thì việc nào cũng được giải quyết đúng pháp luật và đúng trách nhiệm, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Chân Tâm