Dân Việt

Sập cầu Bung - ai chịu trách nhiệm?

24/12/2010 06:24 GMT+7
(Dân Việt) - Cầu Bung được xây dựng góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho 5 xã khó khăn phía Đông của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, chỉ sau một trận lũ công trình bị phát hiện có sự "rút ruột".

"Nhận diện" trách nhiệm

Ngày 26-5-1999, UBND tỉnh Gia Lai quyết định phê duyệt xây dựng cầu Bung tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa (giai đoạn 1), giao cho Sở Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư. Để triển khai thực hiện dự án, ông Trần Duy Hưng (lúc đó đang là Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, kiêm Chủ nhiệm Ban Quản lý dự án- BQLDA) giao cho ông Phan Xuân Đức - Phó Chủ nhiệm BQLDA trực tiếp quản lý, theo dõi việc thực hiện và nghiệm thu công trình.

img
Hiện trường cây cầu Bung lúc bị sập

Qua đấu thầu, Công ty Xây dựng công trình giao thông 134 (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 134, gọi tắt là Cty 134), thuộc Tổng Công trình giao thông 1 trúng thầu. Ngày 30-9-1999, BQLDA ký hợp đồng với Cty 134 tổ chức thi công.

Theo thiết kế, cầu Bung sử dụng dàn thép bán vĩnh cửu (tận dụng từ cầu Lệ Bắc cũ), mặt cầu bằng bê tông cốt thép liên hợp có chiều dài 234m gồm 11 nhịp với 9 móng trụ.

Trong quá trình thi công, Cty 134 đã giao cho ông Lương Minh Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Cty 134, Trưởng ban điều hành Cty 134 tại Tây Nguyên thực hiện. Sau đó, ông Lương Minh Tuấn lại phân công ông Phan Anh Tuấn - cán bộ kỹ thuật, Đội phó Đội cầu II.

Ngày 1-8-2001 giai đoạn 1 của dự án xây dựng cầu Bung hoàn thành, nghiệm thu với tổng kinh phí hơn 7,5 tỉ đồng. Sau 4 năm đưa vào sử dụng, đến ngày 30-11-2005, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt dự toán công trình nâng cấp cầu Bung ( giai đoạn II) với tổng dự toán hơn 8 tỷ đồng.

Lần này, Công ty Xây dựng công trình 508 thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), Bộ Giao thông-Vận tải trúng thầu và thi công vào ngày 25-10-2006.

Nhiều cá nhân vô can

Ngày 5-11-2007, do mưa lũ đã xảy ra sập trụ T8, kéo theo sập đổ 2 nhịp N8, N9 và hư hại trụ T9. Tháng 8-2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định làm rõ nguyên nhân sự cố trên.

Ngày 15-10-2010, giám định viên tài chính xác định tổng giá trị xây lắp bị thiệt hại ở cầu Bung (giai đoạn 1) là 6,8 tỷ đồng.

Đến ngày 14-4-2009, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải kết luận giám định kỹ thuật xác định: "Cầu Bung bị sập đổ trụ T8, kéo theo sập đổ 2 nhịp N8, N9 (mỗi nhịp dài 21,4m) và gây hư hại nặng trụ T9 do chiều dài đóng cọc trụ T8 không đủ theo thiết kế…".

Kết quả giám định tài chính ngày 28-4-2009 xác định tổng giá trị thiệt hại thành tiền của sự cố đổ trụ T8 gây sập cầu Bung là 1,47 tỉ đồng. Đến ngày 3-11-2009, cầu Bung tiếp tục đổ 3 trụ T6, T7, T9 làm rơi 3 dầm bê tông cốt thép đã thi công giai đoạn 2 của nhịp N6, N7, N10. Ngày 15-10-2010, giám định viên tài chính xác định tổng giá trị xây lắp bị thiệt hại ở cầu Bung (giai đoạn 1) là 6,8 tỉ đồng.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định khi thực thi nhiệm vụ, Phan Anh Tuấn đều báo cáo sự cố thi công cho giám sát tư vấn thiết kế và giám sát chủ đầu tư nhưng sự việc vẫn bị bỏ qua. Hậu quả, 115/123 cọc ở tất cả các trụ cầu đều bị cắt, trong đó trụ T8 có 12 cọc bị cắt từ 1 mét đến 5,51 mét, song vẫn được nghiệm thu các cọc đều có chiều dài 12,45 mét.

Trong vụ án này chỉ có Phan Anh Tuấn (SN 1974, trú tại phường 16, quận 8, TP.Hồ Chí Minh) bị khởi tố về hành vi: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng". Trong khi đó, những cá nhân đại diện cho các đơn vị chức năng từ chủ đầu tư, giám sát chủ đầu tư đến giám sát thi công, giám sát thiết kế đều… vô can!

Vụ án được khởi tố từ tháng 5-2009 nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì, vẫn đang rơi vào im lặng...