Có người chua chát nói: "Không hiểu sao ở đây chẳng có ai làm gì, chỉ thấy ô tô chở người đi chơi mà ai cũng lắm tiền, họ thu nhập hàng năm hàng chục ngàn đô la mỗi đầu người. Còn bên mình ai cũng tất bật, vất vả quanh năm suốt tháng, nhất là mấy ông bà nông dân, mà chẳng thấy tiền đâu!"
Làm gì có chuyện đi chơi mà vẫn ra tiền như thế? Người ta làm ít mà tiền nhiều thì không phải nhà kinh tế cũng có thể trả lời quá dễ: Năng suất lao động của người ta cao (nhờ dùng máy móc)! Muốn năng suất lao động cao thì nông dân phải là nông dân chuyên nghiệp.
Cha ông trước nay vẫn gọi "thợ cày", "thợ cấy", "thợ gặt" đó sao? Hồi còn nhỏ, tôi đã biết có những người "thợ" như thế đi làm mướn cho người ta được trả công gấp mấy lần những người không phải "thợ". Nhìn họ thao tác, cày cấy, gặt hái trên ruộng mà bái phục. Chưa nói đến chuyện cày được nhiều đất, chỉ nói chuyện kỹ thuật. Những người được gọi là thợ ấy làm được nhiều, lại làm hay nữa, nhìn họ làm mà mê, trả công cao chẳng ai tiếc.
Ngày nay nông thôn đã dùng máy móc, tuy chỉ là loại máy móc nhỏ. Nhưng quan sát cho kỹ thì thấy, những người ăn nên làm ra hiện nay ở nông thôn vẫn là những người "có tay nghề", "chuyên nghiệp". Chuyên nghiệp trong mọi hoạt động của nhà nông. Nếu là người thuê máy thì họ biết nên thuê máy gì, thuê của ai, thuê vào lúc nào để có lợi nhất. Nếu nhà có máy, họ biết dùng máy thế nào để ít hỏng, ít tốn phí bảo trì, như ông thợ gặt ngày xưa biết "giữ sức trâu" vậy...
Tiếc thay, những nông dân gọi là "có tính chuyên nghiệp" như vậy vẫn còn ít và có nguy cơ ngày càng ít. Vì những ai tinh khôn thì đã ra thành phố kiếm sống, còn lại quê nhà mấy ông bà già với những người làm ruộng không chuyên nghiệp. Mà đã tay nghề thấp, thậm chí không có tay nghề thì làm sao có thu nhập cao? Quần quật làm quanh năm mà không ra tiền như người ta là vì thế!
Nguyễn Quang Thân