Dân Việt

Đẫm nước mắt chuyện chàng trai 18 tuổi đứt đoạn giấc mơ sinh viên

27/08/2010 09:19 GMT+7
(Dân Việt) - Em sẽ làm một sinh viên như mơ ước cháy bỏng của mình, sẽ là niềm hy vọng của cả gia đình nếu như không có bước chân định mệnh vào chiều hôm ấy.

Bước lội định mệnh

Tai nạn đến với Trần Thành Công (18 tuổi, ở An Ninh, Phổ Ninh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) đúng 1 ngày sau khi em biết tin mình đậu ĐH (Trường ĐH Công nghiệp TP HCM). Chiều 19-8, bà Đủ - mẹ Công- đang lúi húi trước sân thì thấy Công đạp xe ào ào từ đâu về.

img
Ông Trần Minh Tư, chú ruột của Công thắp hương cho cháu.

Công thả chiếc xe đổ kềnh xuống đất, rồi chạy như bay vào, ôm chầm lấy mẹ, reo lên: Con đậu đại học rồi, mẹ ơi! Gương mặt rạng ngời, đầy hân hoan và hạnh phúc của con lúc đó làm đau xé lòng bà lúc này.

Chiều hôm sau (13 giờ 30 ngày 20-8), đang nằm trên giường thấy mẹ dắt bò sang bên kia sông để thả, Công vội vàng ngồi dậy chạy theo: Mẹ để con dắt đi cho. Sau khi dẫn bò đến mép nước và mới lội được vài bước thì Công bị sụp hố.

Bà Đủ lúc đó vẫn còn đứng trên bờ, định xắn quần lội sông nhưng nhìn nước sông đục ngầu, chảy mạnh, trong lòng thấy bất an liền nói: Nước sông hôm nay lớn quá, thôi đánh bò quay lại đường khác con à.

Nói chưa dứt lời thì Công đã chới với giữa dòng nước. Bà Đủ hoảng hồn lao xuống cứu con. Giữa dòng nước đang cuồn cuộn chảy, bà Đủ với được tay con cố đẩy về phía bờ, thế nhưng nửa chừng đuối sức, bà chỉ còn biết kêu cứu, rồi chìm dần. Bà Đủ bị nước tấp vào bờ, nhưng đứa con trai thì không. 2 giờ sau, người trong xóm tìm thấy em, thi thể bị nước cuốn vào bụi tre gần đó.

Con bò chưa bán được

Nhà có 6 người, nhưng chỉ biết trông vào 5 sào ruộng lúa, vì thế để nuôi 4 đứa con ăn học (Công là con thứ 3), cha mẹ Công đã phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền. Suốt một thời phổ thông, anh em Công vừa đi học vừa làm nông giúp gia đình, không biết đến chơi bời đàn đúm hay học thêm, học bớt. Thấy các con học được, có thể vào đại học, từ mấy năm, cha Công - ông Trần Ái - lo mua mấy con bò để dành, con cần tiền học đến đâu thì bán đến đó.

Ông Trần Truyền, hàng xóm, cho rằng việc đào cát trái phép đã tạo nên những hố sâu nguy hiểm ven bờ. Có thể Công sa xuống hố như vậy.

Bốn năm trước, ngày anh trai Công là Trần Trọng Hữu thi đậu ĐH Bách khoa Hà Nội, để có tiền làm lộ phí cho con, ông Trần Ái đã dắt con bò lớn nhất đem bán. Năm sau đến lượt chị gái đậu Trường Tài chính kế toán Quảng Ngãi, ông Ái bán con bò thứ 2.

Trước ngày tai nạn xảy ra, khi nhận được tin Công đậu vào ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, mẹ Công kêu lái đến để bán bò. Người mua bò chưa đến, con bò chưa kịp bán vì thế phải đi chăn, có thể chiều hôm đó là lần chăn cuối cùng. Ai ngờ...

Ngày tiệc hóa ngày tang

Lau vội dòng nước mắt, ông Trần Minh Tư (vừa ở Đồng Nai về), chú ruột của Công, kể: Sáng ngày 20-8, khi nghe anh trai báo cháu đậu đại học và mời về chia vui nên vội đăng kí vé. Chưa kịp lên xe đã nghe tin cháu mất.

Biết cha mẹ làm tiệc nho nhỏ mời bà con làng xóm, Công rất mừng và đạp xe đi mời bạn bè, bà con ở gần đến chia vui. Bánh kẹo, trái cây… tất cả đã chuẩn bị cho tiệc mừng bỗng chốc thành đồ cúng. Em Trần Thành Luân, bạn thân Công, nghẹn ngào: Công hiền lắm! Mấy năm trời học chung chưa bao giờ em thấy bạn làm mích lòng ai. Ngày biết điểm thi, Công mừng báo tin và mời em sang nhà, mời em mai đến ăn tiệc, vậy mà…