Nông dân xã Phước Thái đánh dấu vào phiếu lấy ý kiến. |
Theo ông Lương Văn Trường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái, do số lượng nông, xã đã tổ chức 4 địa điểm lấy ý kiến tại ấp 1A, 1B, Hiệp Đức và Hiệp Hoà. Qua thăm dò, hầu hết nông, ngư dân ở đây đều chấp nhận số tiền bồi thường của Vedan.
Ông Phan Văn Tài, ngụ ấp 1A cho biết, ông và người dân trong ấp đồng ý số tiền trên bởi xét thấy Vedan bồi thường như vậy là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, cũng đề nghị sau khi Hội Nông dân được uỷ quyền nhận số tiền trên về nên tính toán chia sao cho hợp lý, công bằng...
Kết quả kiểm phiếu cho thấy, trong 1.567 phiếu thu vào tại xã Phước Thái chỉ có 2 phiếu là không đồng tình với số tiền bồi thường của Vedan. Còn tại UBND xã Long Phước, trong 522 phiếu thu vào của người dân ba xã Tân Hiệp, Phước Bình và Long Phước, chỉ có 4 phiếu không chấp nhận mức bồi thường hơn 119, 5 tỷ đồng. Ngoài ra, trong tổng số 2.089 phiếu thu vào này có 41 phiếu không chấp nhận rút đơn kiện Vedan ra toà.
Theo Hội Nông dân huyện Long Thành, sau khi lấy ý kiến, sẽ tiếp tục sàng lọc lại một lần nữa nhằm xác định các hộ không có thiệt hại thực tế để loại, đồng thời, thẩm tra lại các hộ có thiệt hại thực tế do ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải bị thống kê sót để đưa vào danh sách...
Ông Trần Văn Quang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết: Qua lấy ý kiến dân lần này, Hội đã phát hiện doanh nghiệp tư nhân Viễn Đông tại xã Long Phước cũng nộp phiếu không chấp nhận Vedan bồi thường số tiền trên. Từ sau ngày Vedan bị phát hiện xả thải trái phép đến nay doanh nghiệp này không hề có quan hệ với Hội Nông dân để giải quyết vụ Vedan bồi thường thiệt hại.
Theo ông Quang, Hội Nông dân chỉ bảo vệ quyền lợi cho nông, ngư dân, còn doanh nghiệp thì có tư cách pháp nhân riêng. Ngày 28-8, tại huyện Nhơn Trạch cũng tổ chức lấy ý kiến dân về số tiền bồi thường do Vedan đưa ra.
Cao Thuyên