Dân Việt

Đổ máu giữ rừng để bị bắt?

29/08/2010 11:22 GMT+7
(Dân Việt) - Vụ một kiểm lâm chống trả lâm tặc và bị bắt giam ở Đăk Nông đang khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.
img
Các nhân viên bảo vệ rừng của Công ty Trường Xuân nhập viện điều trị sau khi bị hành hung hôm 28- 7

Lâm tặc ngông cuồng

Như NTNN đã phản ánh, ngày 28-7, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (huyện Đăk Song, Đăk Nông) đã bắt được 4 đối tượng đang phá rừng tại khoảnh 6, tiểu khu 1689 thuộc xã Trường Xuân.

Trong lúc đang dẫn giải 4 đối tượng này về trụ sở công ty thì có một nhóm khoảng 50 người, trang bị các loại hung khí đã bao vây tấn công lực lượng kiểm lâm để giải thoát cho đồng bọn.

Chúng đã phóng hỏa đốt cháy trụ sở làm việc của Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3, đập phá 4 chiếc xe máy, chặt phá 50.000 cây keo giống do công ty mua về để chuẩn bị trồng rừng; bắt giữ cán bộ quản lý bảo vệ rừng để đòi tiền chuộc; bắt trói các nhân viên quản lý bảo vệ rừng rồi đánh đập dã man (thậm chí nhét đất vào mồm họ) và bắt họ phải quỳ lạy. Thiết tưởng, lâm tặc sau vụ đó sẽ bị xử lý nghiêm, ai ngờ...

Chiều 27-8, trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Cương - Phó cục trưởng phụ trách Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết: “Cục Kiểm lâm chưa hề biết thông tin người quản lý bảo vệ rừng bị bắt giữ. Trước đó Cục Kiểm lâm đã gửi công văn tới UBND tỉnh Đăk Nông đề nghị khẩn trương điều tra làm rõ sự việc lâm tặc tấn công, làm nhục kiểm lâm”.

Ngày 27-8, Công an huyện Đăk Song đã gửi Thông báo số 101 cho Công ty Trường Xuân về việc bắt tạm giam anh Hồ Văn Thuật - nhân viên quản lý bảo vệ rừng của công ty.

Theo đó, sự việc xảy ra ngày 28-7, được kể lại như sau: Vào thời điểm trên, anh Thuật cùng các nhân viên quản lý bảo vệ rừng phát hiện một số người đang cuốc hố trồng cà phê trái phép tại tiểu khu 1689.

Bị phát hiện và yêu cầu đình chỉ, số người này đã bỏ cuốc, dao phát xuống. Tuy nhiên, một trong số các nhân viên quản lý bảo vệ rừng đã xông vào đánh một trong số những “lâm tặc” trên khiến xảy ra xô xát.

Trong lúc hỗn độn, anh Thuật đã quơ dao trúng vào chân một “lâm tặc” tên là Y Nú. Thấy vậy số “lâm tặc” này đã bỏ chạy, đồng thời gọi điện về nhà. Sau đó không lâu đã có ít nhất 50 người chạy ra bao vây và đánh đập lực lượng quản lý bảo vệ rừng (như trên đã phản ánh).

Ông Trần Quyết Tâm - Giám đốc Công ty Trường Xuân cho rằng, nếu anh Thuật chém ông Y Nú là mâu thuẫn cá nhân thì chưa đủ yếu tố để khởi tố. Còn nếu hành vi trên của anh Thuật là hành động của người thi hành công vụ lại càng không đủ yếu tố khởi tố vì tỷ lệ thương tật chưa đến 30% (theo kết quả giám định, ông Y Nú bị thương tích 8%.)

Đổ máu giữ rừng, được gì?

Ngày 27- 8, chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Ân Tình- Trưởng Công an huyện Đăk Song- để làm rõ sự việc trên nhưng ông đã từ chối với lý do bận họp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Luyện- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông- cho biết: “Tôi nghĩ phía công an bắt anh Thuật để phục vụ điều tra cho việc khác chứ không phải vì hành vi gây thương tích. Cụ thể như thế nào phải chờ kết luận của công an. Tuy nhiên nếu phía công an chỉ có một thông báo như vậy (Thông báo số 101- NV) thì sẽ gây tâm lý hoang mang cho những người khác. Họ sẽ không thể yên tâm để làm tốt công việc của mình.”

Trên thực tế đã có đến 5 nhân viên quản lý bảo vệ rừng của Công ty Trường Xuân vì lo sợ đã nghỉ việc mà không cần chờ nhận lương và các chế độ khác. Hiện Công ty Trường Xuân không thể liên lạc với số người này vì họ đã cắt luôn điện thoại di động và di chuyển nơi ở.

Một trong số họ đã gặp chúng tôi nhưng xin không nêu tên. Anh này đã bỏ việc ngay ngày 28 - 7. “Tôi không thể tiếp tục công việc này vì không được bảo vệ. Chúng tôi đổ cả máu để giữ rừng nhưng kết quả là con số không. Chỉ cần một sai sót nhỏ, như anh Thuật vừa rồi thì chúng tôi sẽ phải vào tù”.

Một số vụ lâm tặc phá rừng

Ngày 8-2-2008, lâm tặc phá 3ha rừng trồng của công ty tại tiểu khu (TK) 1707. Ngày 23 -2- 2008, 8 lâm tặc chống trả lại Giám đốc Công ty tại TK 1689. Ngày 10- 2 - 2009, lâm tặc phá 83 cây thông dọc QL14 (TK 1699), khi bị phát hiện, chúng đã dùng mã tấu, cưa máy chống trả lại lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Ngày 23- 3- 2010, lâm tặc phá trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 và xe máy của công ty tại TK 1707. Ngày 24 - 4 - 2010, lâm tặc chống đối lại công an huyện tại TK 1706, 1707.

Trong tất cả các vụ việc nêu trên đến nay, ngoài một vụ hôm 23-3, một lâm tặc bị khởi tố, các vụ việc khác vẫn chìm trong im lặng...