Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy (trái) chúc mừng các đại biểu VN sau lễ ký kết về việc VN gia nhập WTO ngày 7-11-2006. |
Thành tựu ngoại giao mà Việt Nam đạt được trong 65 năm qua là hết sức ấn tượng. Cá nhân ông đánh giá những thành tựu đó như thế nào?
- Nếu tính từ ngày thành lập 28-8-1945, ngành ngoại giao đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, đã ghi nhiều dấu ấn vào lịch sử đấu tranh giành độc lập, giữ nước và xây dựng đất nước. Cùng với những thắng lợi trên mặt trận quân sự, bảo vệ và phát triển đất nước, mặt trận ngoại giao đã góp phần xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới hiện đại và đến với bạn bè khắp thế giới năm châu bốn biển.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kim chỉ nam hành động của nền ngoại giao Hồ Chí Minh đã góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu để chấm dứt chế độ thực dân bằng Hiệp định Geneve 1954 và 19 năm sau, Hiệp định Paris năm 1973 đã tạo điều kiện cho toàn dân toàn quân ta giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Những thành tựu to lớn của hơn 20 năm Đổi Mới vừa qua có sự tiếp tục đóng góp to lớn của ngành ngoại giao với ưu tiên tạo môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển đất nước. Chúng ta đã trở thành thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc (LHQ) và hầu hết các tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, phát triển quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và nhiều lĩnh vực khác với hàng trăm quốc gia và nhiều nền kinh tế. Việt Nam đang là điểm đến, là người bạn thủy chung, là đối tác tin cậy của bạn bè thế giới.
Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là bước ngoặt ấn tượng của ngành ngoại giao VN, chắc ông vẫn chưa quên những ngày đàm phán gian khó đó?
- Trong tất cả các cuộc đàm phán, có thể nói cuộc đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là kéo dài nhất. Chúng ta đã mất 11 năm mới kết thúc được cuộc đàm phán này. Ở những thời điểm khó khăn nhất, Việt Nam luôn có những người bạn quốc tế giúp đỡ bằng cả tấm lòng như ông Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy, người đã chia lửa với đoàn đàm phán Việt Nam ở giây phút 89 tại Genève ngày 13-10-2006; ngài Chủ tịch Ban công tác đàm phán của Việt Nam Erik Glenn, người bạn thân thiết thường chia sẻ với tôi những khoảnh khắc khó khăn, vui mừng với chiến thắng trên từng cây số của chặng đường đàm phán.
Bà Virginia Foote - Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Việt cũng vậy. Có lần ở Geneve, khi tôi và các đồng nghiệp vừa từ phòng đàm phán căng thẳng bước ra đã thấy bà đứng ở trước cửa với một tâm trạng thấp thỏm chờ đợi kết quả. Trong cuộc đàm phán kéo dài với nhiều đối tác này, chúng tôi đã tích lũy thêm được nhiều kiến thức và kỹ năng của một bài học quý báu: Ngoại giao thời nay dường như không còn là kẻ thắng người thua, mà là hãy để tất cả các bên đều thắng, điều quan trọng nhất đối với chúng ta là phải đem được nhiều quyền lợi về cho đất nước.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình 7 năm làm Đại sứ VN tại LHQ và 6 năm ở WTO là gì thưa ông?
- Được Nhà nước giao trọng trách làm Đại sứ bên cạnh LHQ gần 7 năm và bên cạnh WTO hơn 6 năm, lại vào những thời điểm đất nước bước vào giai đoạn hội nhập tích cực giữa những năm 90 và khẩn trương kết thúc đàm phán gia nhập WTO, tôi đã được vinh dự chứng kiến nhiều sự kiện ngoại giao trọng đại và được trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động mang nhiều ý nghĩa.
Khi có những khoảnh khắc yên tĩnh, tôi thường trở về với những kỷ niệm đầy ắp sự hoạt động tại LHQ cùng các bạn đồng nghiệp ASEAN sau khi ta trở thành thành viên chính thức của tổ chức này (sau 1995). Đó cũng là giai đoạn trưởng thành mới của ngoại giao đa phương.
Tôi cũng đã trực tiếp tham gia vào nhiều cơ chế lãnh đạo của LHQ và nhiều tổ chức quốc tế... Tôi cũng thường ôn lại những kinh nghiệm của nhiều cuộc đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, của những ngày hoặc đêm thâu đàm phán với các đối tác về việc Việt Nam gia nhập WTO.
Vậy theo ông điều ấn tượng nhất của một nhà ngoại giao là gì?
- Mỗi người mỗi quan điểm, với tôi thì có thể đó là những đóng góp mang dấu ấn của mình, góp phần vào thành công chung của nền ngoại giao nước nhà hoặc đó cũng có thể là những ấn tượng về những vùng đất mình đã đặt chân tới, là những nhà ngoại giao đến từ nhiều nước đã trở thành bạn thân thiết của mình và có cả những kỷ niệm cùng những thành viên gia đình trong những ngày tháng bôn ba xứ người...
Thời xưa hay thời nay thì ngoại giao vẫn là ngoại giao thôi, chỉ có bây giờ thế hệ trẻ có nhiều điều kiện hơn, đất nước đã ở vị thế vững chắc trên trường quốc tế với uy tín cao, các nhà ngoại giao đang sống trong thời đại thông tin hiện đại và nhanh nhạy. Tôi còn nhớ ở New York hồi trước, mỗi lần nhận thư, chúng tôi phải chờ đợi đến hàng tháng trời.
Xin cảm ơn ông!
L.A
Nguyễn Hạ Anh (thực hiện)