Đại xá mùa thu đưa lại niềm vui cho nhiều gia đình. Trừng phạt có ý nghĩa lớn để răn đe. Nhưng tha thứ, xá tội cũng là cách xã hội lấy "lòng nhân" để cảm hóa và đó chính là kế lâu dài để phòng ngừa tội ác sinh sôi nẩy nở. Pháp luật phải nghiêm minh nhưng không được hà khắc. Không gì làm một con người bệnh hoạn về tinh thần trở nên lành mạnh bằng chính sự khoan dung tha thứ.
Hàng chục ngàn người được ân xá, đặc xá mỗi năm trong nhiều dịp đại lễ đương nhiên trở thành một vấn đề của cộng đồng, không chỉ với Nhà nước mà với mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Xã hội phải dang tay tiếp nhận một số khá lớn những người từng là tội phạm. Liệu những người đó có đủ độ tin cậy để trở về sống chung với xã hội mà không tái phạm...?
Đúng là mọi chuyện vẫn có thể xảy ra. Nhưng niềm tin vào con người và tình yêu thương, tha thứ vẫn là bài thuốc kỳ diệu muôn thuở để giúp mỗi người giữ được lương tri và sự thánh thiện vốn đã được nhen nhúm trong bào thai của mẹ (nhân chi sơ tính bản thiện). Đánh mất niềm tin vào lương tri này là sự quay lưng lại với con người nếu không nói là chống nó.
Nhưng với một xã hội đang có vấn đề xuống cấp đạo đức, đang còn người nghèo đói, đang thiếu việc làm và cả niềm tin thì kêu gọi "lòng nhân" là hết sức cần thiết nhưng hoàn toàn chưa đủ. Mà chúng ta cần có những biện pháp của nhà nước kết hợp với gia đình, với tổ chức xã hội để thiết thực giúp những người đã từng là tội phạm hoàn lương.
Trước hết là loại bỏ lối đối xử kỳ thị từ ngay trong gia đình họ. Sau đó là mở những lớp học, những sinh hoạt câu lạc bộ, những lớp dạy nghề. Và nên có chính sách với những người hoàn lương, dành cho họ một tỷ lệ nhất định trong tuyển dụng việc làm.
Chúng ta nên ủng hộ những sáng kiến để giúp hoàn lương vì đó không chỉ là vấn đề của một số người mà của tất cả chúng ta. Cải tạo một kẻ xấu thành người tốt đã khó. Nhưng ngăn ngừa họ tái phạm cũng không kém khó khăn.
Sông Thao