Dân Việt

Niềm vui ngày đặc xá

30/08/2010 06:24 GMT+7
(Dân Việt) - Sáng 29-8, trời mưa tầm tã, hàng trăm người vẫn đứng trước cổng Trại giam Thanh Xuân, Thanh Oai, Hà Nội, kiên nhẫn, hồi hộp chờ đợi người thân được đặc xá để đoàn tụ.

Hoàn lương với nghề trong tay

Len lỏi giữa những chiếc ô tô, xe máy xếp hàng dài ngoài cổng, ông Trần Phước Thắng (ở Chương Mỹ, Hà Nội) tiến gần về phía cổng trại. Ông tiếp chuyện phóng viên mà mắt vẫn dán chặt vào chiếc cổng trại giam.

img
Trao quyết định đặc xá cho phạm nhân tại Trại giam Thanh Xuân

Đầu tháng 8-2010, khi được tin con trai có tên trong danh sách đủ điều kiện xét đặc xá, ông mừng đến mất ăn mất ngủ, đếm từng ngày để chờ đón con trở về. Con trai ông là Trần Phước Tiến (SN 1988), phạm tội gây rối trật tự công cộng, án tù 3 năm, đã thụ án được 1 năm 7 tháng. "Không biết nói gì hơn, tôi chỉ biết cảm ơn Đảng, ơn Chính phủ đã mở lối khoan hồng cho con tôi…", ông Thắng nghẹn ngào.

Đặc xá cho hơn 17 nghìn phạm nhân

Chiều 28-8, Văn phòng Chủ tịch nước, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Tòa án Tối cao, công bố quyết định đặc xá cho 17.210 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và 310 người đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, có đủ điều kiện theo quy định được đặc xá năm 2010.

Lần đặc xá này, Trại giam Thanh Xuân có 303 phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá, trong đó có 107 người là nữ, 21 người nước ngoài. Tại hội trường của trại, 303 phạm nhân ngồi chật kín chờ giây phút công bố. Trong số đó có hai người đàn ông nhang nhác giống nhau, ngồi gần nhau, hỏi ra mới biết đó là anh em ruột cùng được đặc xá trong đợt này.

Người anh tên là Nguyễn Cao Nhất (SN 1983), còn người em tên là Nguyễn Cao Nhị (SN 1985). Cả hai anh em Nhất từng phạm tội cố ý gây thương tích trong một vụ án, mỗi người phải chịu án phạt 5 năm tù giam. Do nỗ lực cải tạo, hai anh em được Ban giám thị giảm gần một nửa thời gian thi hành án. "Ra tù, anh em tôi sẽ về mở xưởng cơ khí. Trong thời gian thụ án, chúng tôi được học nghề này, giờ tay nghề đã vững lắm rồi." - Nhất tỏ ra tự tin.

Mong trở thành công dân có ích

Tháng 2-2006, Nguyễn Anh Phương (SN 1983, ở Hàm Tử, Khoái Châu, Hưng Yên) trong một lần đi ăn nhậu cùng bạn bè, say rượu, không làm chủ được bản thân, xô xát với tốp thanh niên khác trong quán nhậu. Phương đã dùng dao đâm chết một người. TAND tỉnh Hưng Yên xử phạt Phương 12 năm tù giam.

Thực hiện chủ trương hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá, từ sáng sớm 29-8, Công an các địa phương đã có mặt tại Trại giam Thanh Xuân để tiếp nhận, đưa những người được đặc xá không có thân nhân đến đón về địa phương. Công an Điện Biên đã thuê một xe khách 29 chỗ xuống Trại giam Thanh Xuân để đón người được đặc xá. Công an tỉnh Lai Châu cũng đã thuê ô tô 25 chỗ xuống đón 5 phạm nhân ở tỉnh này.

Với Phương, thời gian cải tạo trong Trại giam Thanh Xuân là chuỗi ngày ân hận về tội lỗi đã gây ra. Phương quyết tâm làm lại cuộc đời. Và Phương đã cải tạo, chấp hành tốt nội quy, quy định của trại giam. Sau một thời gian cải tạo tốt, Phương được đặc xá trước thời hạn 6 năm 9 tháng 21 ngày.

Vũ Thu Thủy (SN 1973, ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội), phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, án phạt 16 năm tù giam, thụ án từ tháng 4-1999.

"Xa nơi này, tôi thấy luyến tiếc vì phải xa các anh chị em phạm nhân từng cùng tôi cải tạo, học tập trong những năm qua. Có lẽ không bao giờ tôi quên được những năm tháng đã sống ở nơi này. Chính sự bao dung, tình người ở đây đã giúp tôi nhận ra lỗi lầm mà bản thân đã gây ra đối với xã hội" - Thuỷ nói.

Thuỷ cũng cho biết, việc mình được đặc xá cũng chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới, khó khăn mới đang chờ đợi phía trước.

Phát biểu tại lễ trao quyết định đặc xá ở trại giam Thanh Xuân, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá T.Ư khẳng định: Việc đặc xá mới chỉ là bước khởi đầu của con đường hướng thiện. Phục thiện là con đường thật khó khăn, song không phải không làm được nếu mỗi phạm nhân biết quyết tâm, biết chuẩn bị hành trang để hòa nhập cộng đồng.