Nhưng thôi. Hãy quan sát thiên nhiên cái đã.
Cây cao bóng cả hay, hay là dở? Khi cây che mát cho người thì nó lại cướp một phần nắng của đồng loại dưới chân nó. Cỏ cây dưới tán lá thiếu nắng nên yếu ớt mong manh. Dưới bóng rợp chỉ có loài địa y nhẫn nại lan ra trên mặt đất, trên vách đá với cuộc sống thiếu thốn mờ nhạt trong lãng quên. Cây cao bóng cả như cây đa, cho đời cái bóng mát. Mà cũng chẳng phải nó cho, đa hứng nắng rồi giữ lấy phần nhiệt thì phải trả cho thiên nhiên cái mát của bóng rợp là chuyện đương nhiên.
Cây lim cao, bóng lớn nhưng lá lim rụng xuống đất thì cỏ không mọc, rụng xuống nước thì cá chết. Suối có nước lá lim thì phù du không sống được, người lội qua thì rụng lông chân dù nước trong veo. Gỗ lim chỉ đóng được cánh cửa, khung tủ, nhưng tuyệt nhiên không thể làm giường nằm vì hơi độc từ thân nó toát ra, người nằm trên phản gỗ lim sẽ nặng mình sinh bệnh. Thiên nhiên có loại gỗ “ích kỉ” như vậy đấy. Đó là thứ cây cao bóng cả đáng ngờ, cho dù gỗ lim tốt. Là tốt cho chính nó thôi.
Đa bảo đa thừa hưởng sức vóc của tổ tiên cho chứ chẳng lấy của ai. Lim cũng giải thích tương tự như thế rồi chúng vi vu ca hát trước bầu trời xanh. Địa y nín lặng, cỏ cây tái nhợt do thiếu nắng chỉ biết nín thinh trước số phận bèo bọt của mình. Nó còn biết làm gì hơn. Cái mình thừa hưởng, là cái mà ở góc khuất nào đó đã có người hứng thiệt thòi. Anh càng thừa hưởng nhiều thì càng có nhiều người thiệt thòi. Thừa hưởng khác hẳn cái mình làm ra.
Nên biết thế, biết thế thì con người sẽ sống tử tế hơn.
Đỗ Đức