Được UBND phường Phú Thượng giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thanh - một trong số rất ít người có dịp đón Bác Hồ năm xưa, nay còn sống. Năm nay 86 tuổi và dù đã hơn 65 năm trôi qua nhưng trong trí nhớ của ông Thanh, giây phút đón Bác vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
Ông Thanh kể: “Trước đó 1 ngày, đồng chí Chu Tỉ - đảng viên duy nhất của làng Gạ - nhận được chỉ thị đón tiếp cán bộ lãnh đạo kháng chiến từ chiến khu Tân Trào về Hà Nội. Chúng tôi lập tức huy động chính quyền xã, đoàn thanh niên tổ chức đón nhà lãnh đạo bí ẩn mà không ai biết tên tuổi”.
Sáng ngày 23-8-1945, chuyến đò chở người lãnh đạo từ từ cập bến Phúc Xá, Phú Thượng, Hà Nội. Đò cách bến khoảng 100m thì không chèo được nữa vì bờ sông bùn lầy đặc quánh. Cụ già cùng những người khác trên đò xắn quần, lội bùn lên bờ. Nhìn cảnh cụ già vất vả lội bùn, nhiều người đã đề nghị đưa ván ra đặt trên bùn để cụ đi. Cụ già chỉ mỉm cười và ôn tồn bảo: “Mọi người lội được thì tôi cũng lội được”.
Vào đến bờ sông, cụ già cùng mọi người đi thẳng vào đình Phúc Xá. Khi cụ đang rửa chân ở cầu ao thì đồng chí Hoàng Tùng - lúc đó đang giữ chức Trưởng ban An toàn khu trung ương đến gặp. Qua thái độ của đồng chí Hoàng Tùng với cụ già, mọi người đều cho rằng đó là một nhà lãnh đạo cao cấp nhưng vẫn không ai biết cụ là ai. Tuy nhiên mọi người đều cảm động trước cử chỉ ân cần, gần gũi của cụ.
Việc chọn nhà để cụ già và các cán bộ cùng ở thực không đơn giản. Căn nhà thứ nhất không ở được vì từ đường đê có thể nhìn thẳng vào nhà, không giữ được bí mật. Căn nhà thứ hai thì chỉ cách bốt cũ của địch chừng 500m. Căn nhà thứ ba chưa bao giờ nuôi giấu cán bộ cách mạng nên không có nhiều kinh nghiệm trong việc canh gác và giữ bí mật cho cán bộ hoạt động.
Cuối cùng, nhà của đồng chí Công Ngọc Kha - một cán bộ lâm thời của làng Gạ được chọn làm nơi ở cho cụ già. Ngôi nhà rộng, thoáng lại có hai cổng, tiện di chuyển khi có chuyện không hay.
Ngôi nhà của ông Công Ngọc Kha tại xã Phú Thượng - nơi Bác Hồ ở khi từ chiến khu về Hà Nội. |
Căn nhà này trước đó cũng đã từng là nơi hoạt động bí mật của cách mạng... Tiếp phóng viên NTNN, anh Công Ngọc Dũng - con út của ông Công Ngọc Kha tâm sự: “Ngày đó tôi còn chưa sinh nhưng tôi có nghe bố tôi kể lại, căn nhà ấy do cụ nhà tôi vốn là một vị quan thời phong kiến xây lên để tiếp khách chứ người nhà chưa từng ở. Tuy nhiên từ những năm 1929, đây là cơ sở hoạt động của cán bộ cách mạng”.
Anh Dũng còn được bố kể thêm, sáng ngày 24-8-1945, cụ già ra sân tập thể dục, ông Kha tò mò hỏi đồng chí Hoàng Tùng đó là ai? Đồng chí Hoàng Tùng chỉ mỉm cười. Ông Kha cũng không dám hỏi gì thêm.
Nhân đôi hạnh phúc
Ông Nguyễn Văn Thanh kể, cụ già ở lại gia đình nhà ông Kha đến chiều 25-8 thì đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh từ nội thành ra đón. Sau này ông Thanh nghe ông Kha kể lại rằng, để từ biệt, ông Kha đã làm thịt một con chó, dọn ra 3 mâm, 2 mâm đồng dành cho ông cụ và các cán bộ, 1 mâm bằng gỗ dành cho gia đình. Nhưng ông cụ đã cùng các đồng chí khác xuống mâm gỗ ăn cùng gia đình. Ăn xong, mọi người cảm ơn và chào gia đình để đến căn nhà 48 Hàng Ngang.
Khi vị khách đặc biệt đó cùng những đồng chí của mình đi khỏi, những người làng Gạ vẫn còn nguyên một nỗi băn khoăn: Ông lão ấy là ai? Trông ông lão chẳng có vẻ gì là quan cách mà lại được mọi người rất mực kính trọng? Nhưng những băn khoăn đó đã vỡ oà thành niềm vui bất tận, niềm tự hào khó nói thành lời.
Ông Thanh kể, ngày 2-9-1945, cũng như nhiều người dân trong làng, ông và ông Kha nô nức đến Quảng trường Ba Đình để hoà cùng triệu triệu người khác đón chờ thời khắc thiêng liêng nhất: Thời khắc Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Quảng trường Ba Đình hôm ấy đông nghẹt người. Ai cũng phấn chấn, rưng rưng nước mắt mừng vui. Bao năm chìm trong bóng tối lầm than nô lệ, giờ đất nước thực sự độc lập, tự do không mừng sao được.
Ông Thanh kể, hoà trong dòng người, mắt ông đăm đắm hướng về lễ đài, nơi Bác Hồ sẽ xuất hiện. Và rồi, ông đã không tin vào mắt mình nữa. Trên đài cao, ông lão hiền từ từng ở làng ông hôm trước bất ngờ xuất hiện.
Đúng là Bác rồi, ông chắc chắn thế bởi những tiếng “Hồ Chí Minh muôn năm!” đã vang lên dậy đất trời. Trên đài cao Người đọc tuyên ngôn độc lập... Mừng vui quá đỗi nước mắt ông cứ trào tuôn. Ông Thanh bảo, trong đời mình, ông chưa thấy phút giây nào hạnh phúc hơn thế!
(Còn nữa)
Hoàng Nhã