Thu hoạch mía non bán cho lò đường thủ công ở thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang. |
Do giá đường cao, các lò đường thủ công đang tranh thủ ép mía non.
Lò thủ công “hốt” mía trong vùng nguyên liệu
Mấy ngày nay, thương lái đến vùng nguyên liệu mía Phụng Hiệp, Ngã Bảy mua mía ROC16 cung cấp cho các lò đường thủ công ở Bến Tre, Hậu Giang. Lão nông Nguyễn Văn Tư (ở phường Lái Hiếu) có kinh nghiệp mấy chục năm trồng mía đã chấp nhận đốn 3,5 công mía non khi thương lái trả 960 đồng/kg.
Ông Trịnh Minh Châu – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng, Trưởng tiểu vùng ĐBSCL
Ông Tư cho biết: “Vùng đất này năm nào cũng bán sớm để chạy lũ nhưng năm nay lũ chưa kịp ngập đến liếp mía thì thương lái trả giá cao nên tui bán liền”. Theo tìm hiểu của NTNN, việc mua bán mía rất dễ dàng, thương lái không cần đo chữ đường mà chỉ cần ra giá tại rẫy mía.
Ông Trần Văn Bé Ba ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp cũng bán mía dù chưa đủ độ chín. Ông phân trần: “Năm nào tui cũng bán mía sớm vì đây là vùng mía chín sớm, chữ đường cao hơn các vùng khác.
Giá này đã cao nên bán trước chứ đợi đến chính vụ không biết giá có cao như hiện nay không. Vì vậy một số hộ trồng nhỏ lẻ như tui chấp nhận bán sớm cho các lò đường thủ công ép lấy đường”.
Vùng nguyên liệu mía này được Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, mấy năm nay, gần đến thời điểm thu hoạch mía thì thương lái khắp nơi đến đây tranh mua gây xáo trộn rất lớn.
Ông Ngô Văn Khởi - Phó phòng Kinh tế TX. Ngã Bảy cho biết: “Vùng nguyên liệu mía ở địa phương diện tích hơn 1.000ha, đến thời điểm này nông dân đã bán khoảng 270ha mía nước và 20ha mía cây cho các lò đường thủ công.
Mặc dù địa phương đã vận động người dân tuân thủ hợp đồng đã ký với công ty nhưng nhiều hộ trồng nhỏ, lẻ vẫn bán mía vì giá cao”. Theo ông Khởi thì hiện nay nông dân chỉ bán mía giống ROC16 chín sớm với chữ đường 6 - 7CCS.
Áp lực lớn cho các nhà máy
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, việc thu hoạch mía non sẽ gây thiệt hại cho xã hội rất lớn. Nếu bán 1ha mía non thiệt hại khoảng 10 triệu đồng (so với lúc mía chín, đủ chữ đường) thì mỗi vụ cả vùng nguyên liệu mía sẽ mất cả trăm tỷ đồng. Ông Võ Văn Sơn – Phó Tổng Giám đốc CASUCO cho biết: “Hiện nay, thương lái mua mía cung cấp cho các lò đường thủ công còn nhỏ lẻ nên vẫn chưa đáng ngại.
Tuy nhiên, việc thương lái vào vùng nguyên liệu thu mua mía non, nông dân đốn mía với diện tích ngày càng tăng thì sẽ gây áp lực cho các nhà máy trong vùng. Nếu một nhà máy trong vùng hoạt động sớm thì kéo theo các nhà máy khác hoạt động. Khi đó cả nông dân và nhà máy đều thiệt hại và việc cạnh tranh nguyên liệu càng gay gắt hơn do cuối vụ hết mía sớm”.
Theo ông Sơn vùng nguyên liệu mía trong khu vực hiện tại chỉ đạt hơn 4 CCS vì vậy nông dân nên để mía đủ độ chín mới thu hoạch sẽ có lợi hơn nhiều. Kế hoạch của CASUCO sẽ bắt đầu vụ ép mía vào ngày 25-9. Các nhà máy đường trong khu vực đã họp bàn và giao kèo khoảng cuối tháng 9 mới bắt đầu vào vụ ép mía mới.
Hoàng Mai