Tiêu huỷ heo tai xanh ở Kiên Giang. |
Vùng tâm dịch tập trung tại các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và một số tỉnh thành khác, riêng tỉnh Kiên Giang mỗi ngày có thêm 80 hộ báo có heo nhiễm dịch.
Trước nguy cơ bệnh dịch ngày càng hoành hành, nhu cầu nhận biết và phòng chống dịch bệnh cho đàn heo của các hộ nông dân là rất cấp thiết.
Triệu chứng
Bệnh heo tai xanh còn có tên gọi là Hội chứng loạn sản (hay còn gọi là chứng rối loạn sinh sản) và suy hô hấp trên heo. Bệnh xuất phát từ một loại virus thuộc nhóm Arteriviruses, có thể tấn công và phá hủy khả năng miễn dịch của heo và làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh cơ hội khác. Vitus gây bệnh thường có trong dịch mũi, nước bọt, sữa, tinh dịch, phân, nước tiểu của heo.
Ở heo mẹ mang trùng, virus có thể lây nhiễm cho bào thai từ giai đoạn giữa thai kỳ trở đi. Ngoài ra, bệnh dịch còn lây lan qua đường vận chuyển, theo gió, bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng...
Đối với heo nái, triệu chứng bệnh là bị sảy thai, đẻ non, tỷ lệ thai chết cao (thai gỗ, chết tươi). Heo đực giống thì bỏ ăn, sốt, lượng tinh dịch ít, chất lượng tinh kém. Heo con theo mẹ thì gầy yếu, tiêu chảy nhiều, chân choãi ra, đi run rẩy... Heo con cai sữa và heo choai: Chán ăn, ho nhẹ, lông xác xơ... và thường ghép với bệnh khác.
Biện pháp phòng chống
Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam - đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi GreenFeed 5 Sao và HiGain chất lượng cao - đã chia sẻ với Báo NTNN một số biện pháp phòng chống dịch heo tai xanh mà công ty đã tư vấn và áp dụng thành công tại nhiều huyện, xã.
Thực hiện an toàn sinh học: chuồng trại phải thoáng mát, tăng cường chế độ dinh dưỡng, mua heo giống từ những cơ sở đảm bảo; thiết lập hệ thống chuồng nuôi cách ly ít nhất 8 tuần; hạn chế khách tham quan; sử dụng bảo hộ lao động, không mượn dụng cụ chăn nuôi của các trại khác; thực hiện “cùng nhập, cùng xuất”.
Rải vôi xung quanh chuồng trại, xịt thuốc sát trùng 2 lần/tuần. Sáng dùng B- Glucan hòa vào nước cho heo uống tự do. Chiều sử dụng vitamin C hòa trong nước cho heo uống tự do từ 17 giờ - 22 giờ, nhằm chống suy thận. Dùng kháng sinh Nuflo hoặc Tylan sunfa –G trộn trong thức ăn liên tục trong vòng 5 – 7 ngày.
Xử lý khi heo đã bị bệnh
Đối với heo nái: Tiêm kháng sinh chống các bệnh kế phát (Oxytetracycline hoặc Amoxilin). Nếu trong giai đoạn mang thai từ tuần thứ 3 đến tuần 12 nên sử dụng thêm thuốc an thai Progesterone. Tuyệt đối không sử dụng cho heo nái mang thai trên 12 tuần.
Đối với heo thịt: Tiêm Linco-Spectin (chỉ cần dùng thuốc nội) + Bromycin (giúp heo long đàm dễ thở).
Ngoài ra, từ một số chia sẻ của các hộ chăn nuôi nhiều kinh nghiệm, người dân có thể sử dụng các biện pháp sau: Kéo thưa đàn heo cách nhau 1,8m2 thay vì 1,2m2 như thông thường, trộn Anagin vào thành phần thức ăn cho heo, quét vôi nóng lên đường đi và chuồng trại, xịt thuốc sát trùng cách ngày…
Đối với heo đã nhiễm bệnh, chỉ nên tiêm kháng sinh cho đàn heo nhiễm bệnh trong hai ngày đầu nhằm tập trung hạ sốt, mà không chích quá nhiều lần vì có thể dẫn đến tình trạng heo sốc thuốc mà chết.
Đồng thời, người nông dân cần vững vàng, bình tĩnh và tham khảo ý kiến của các chuyên gia tư vấn trong thời gian dịch bệnh khởi phát. Theo ông Phúc - tư vấn chăn nuôi của Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam, hầu hết các hộ chăn nuôi heo với số lượng từ 5 - 10 con thường thiếu kinh nghiệm trong việc đón đầu dịch hoặc gặp lúng túng đưa ra biện pháp chữa trị kịp thời hợp lý.
Nhiều hộ nông dân do nôn nóng mà xịt thuốc sát trùng cường độ dày (3 lần một ngày) thay vì xịt cách ngày, khiến cho heo có thể bị sẩy thai hoặc làm chết heo con. Rất nhiều trường hợp nông dân vì không kiểm soát nổi đã phải chịu mất trắng hoặc bán tháo đàn heo.
Việc phòng ngừa luôn là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh thông qua việc giữ gìn vệ sinh chuồng trại thoáng mát sạch sẽ và cung cấp cho heo những thành phần thức ăn có đầy đủ sức đề kháng và dinh dưỡng.