Dân Việt

Ký ức về mùa thu cách mạng

02/09/2010 16:04 GMT+7
(Dân Việt) - Đã 65 năm trôi qua nhưng trong ký ức của nhiều người mùa thu ấy, mùa thu cách mạng 1945, vẫn vẹn nguyên những ký ức khó quên...

Trong những ngày thu lịch sử, những người chiến sĩ năm xưa lại dạt dào cảm xúc về một mùa thu trước, mùa thu đầu tiên của độc lập tự do, thoát đời nô lệ. Mùa thu ấy, Trung tướng Phạm Hồng Cư mới 20 tuổi…

“Người về đem tới ngày vui”

Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu mà ông là đội viên là lực lượng vũ trang địa phương đầu tiên của Hà Nội, có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan của Thành ủy, Xứ ủy, Tổng bộ hành dinh. Đây là lực lượng được chọn lựa kỹ lưỡng từ những phần tử ưu tú nhất của thanh niên cứu quốc, công nhân cứu quốc.

“Tôi tự hào là thanh niên thế hệ một lời thề, cùng với toàn dân xóa cái nhục mất nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Tôi muốn nhắn nhủ với thế hệ ngày nay là phải cùng dân xóa nghèo nàn, lạc hậu, đưa đất nước phát triển ngang hàng với các cường quốc 5 châu trên thế giới” - Trung tướng Phạm Hồng Cư

Ngày 2-9-1945, theo sự phân công của thượng cấp, cùng với Công an thủ đô, Đội tự vệ Cứu quốc vinh dự được cử 2 trung đội tham gia bảo vệ lễ đài, bảo vệ cuộc mít tinh, Chính phủ lâm thời cùng với các lực lượng giải phóng quân ở Việt Bắc về. Nhận nhiệm vụ, ngay từ đêm 1-9, đội tự vệ chiến đấu đã có mặt chiếm lĩnh địa hình, bố chí cảnh giới, rà soát các vật liệu nổ. Sáng 2-9, đội chia làm hai đội hình. Một đội hình bảo vệ vòng trong và một đội hình bảo vệ vòng ngoài, kết hợp với những tổ trinh sát, có nhiệm vụ quan sát, bảo vệ từ tầm cao.

Chuẩn bị mit tinh, Hà Nội rực rỡ, nhộn nhịp như một ngày hội. Phố xá đầy hoa và cờ, với những khẩu hiệu đỏ rực viết bằng bốn thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc: “Độc lập hay là chết; Nước Việt Nam của người Việt Nam”. Dân chúng phấn khởi, vui tươi đứng chật kín Quảng trường Ba Đình và các ngả đường lân cận.

Giữ trọn lời thề

Khoảng 3 giờ chiều, nắng mùa thu vàng rực trên Quảng trường Ba Đình. Một đoàn xe ô tô tiến thẳng vào khu vực trung tâm Quảng trường, hai bên là đoàn bảo vệ đi xe đạp. Các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời mới xuống xe, bước lên khán đài. Lẫn trong những người mặc comple trắng có một ông cụ mặc áo kaki, đi dép cao su rất giản dị.

img
An Nam Bắc bộ Phủ, ngày 19-8-1945.

“Lúc đó chúng tôi vẫn chưa biết Hồ Chí Minh là ai. Cho đến khi, Ông cụ đọc Tuyên ngôn độc lập, trong âm sắc có chất giọng Nghệ An, đồng chí Hoàng Phương, sau này là Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, mới ghé sát tai tôi nói: “Ông cụ là Nguyễn Ái Quốc đấy”. Tự dưng trong tôi như có một luồng điện chạy khắp cơ thể, xúc cảm trào dâng, sung sướng không thể diễn tả được. Chúng tôi biết, Bác đã bôn ba mấy chục năm trời, hôm nay đã về với dân tộc, cảm giác đó rất hạnh phúc, đúng như nhạc sĩ Văn Cao miêu tả “Người về đem tới ngày vui”. Trung tướng Phạm Hồng Cư bồi hồi nhớ lại.

Trung tướng Phạm Hồng Cư kể, sau khi đọc xong Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ có tuyên bố lời thề độc lập. Tất cả mọi người có mặt tại Quảng trường Ba Đình lúc đó đều giơ tay, hô vang “xin thề”. Quảng trường dậy sóng, không khí hừng hực quyết tâm lan tỏa trong tất cả mọi người. Không kìm được nước mắt hạnh phúc, ai cũng vừa hô vừa khóc. Từ đây, thân phận mất nước, vong quốc nô được trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập, từ tình cảnh đói nghèo vươn lên làm chủ giang sơn. “Thế hệ chúng tôi cũng như những người có mặt tại buổi mít tinh 2-9-1945 mới hiểu hết giá trị của độc lập, niềm vui của sự tự do, làm chủ quê hương, đất nước” - Trung tướng Cư xúc động.

Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần nữa, như bao thanh niêu ưu tú khác, ông Cư theo lời kêu gọi của Cụ Hồ, mang trong tim lời thề độc lập đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, thế hệ ông đã bao người ngã xuống, nhưng mãi mãi còn lại là một thế hệ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Lời thề đã được Bác Hồ xướng lên trên lễ đài ngày 2-9 không quên ấy.

Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư thì những lần sau này, ông có dịp được gặp và bảo vệ Bác Hồ nhiều hơn, nhưng những cảm xúc trong ngày đầu tiên vẫn còn đó. Tết Độc lập năm nay cũng vậy, dù thời gian đã trôi qua 65 năm nhưng cảm xúc độc lập tự do lại ầm ập dội về.

Trung tướng Phạm Hồng Cư bảo, chính lời thề năm ấy là kim chỉ nam, là ngọn đuốc sáng bừng soi lối cho ông và các đồng chí của mình để mùa thu cách mạng còn trường tồn mãi mãi.

(Còn nữa)