Chống úng và cứu lúa là nhiệm vụ cấp bách của nhiều địa phương tại Ninh Bình. |
Hơn 11.000ha lúa bị ngập úng
Những ruộng lúa ở các xã Gia Hưng, Gia Thanh, Gia Chung, Gia Minh (huyện Gia Viễn) đang chuẩn bị làm đòng đều bị chìm nghỉm trong nước. Theo Phòng Nông nghiệp huyện này, đến nay đã có gần 500ha lúa bị ảnh hưởng do mưa lớn, kéo dài; chủ yếu là diện tích ở những vùng trũng ngoài đê. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện Gia Viễn đang huy động toàn bộ 75 máy bơm, hoạt động 24/24 để tiêu thoát nước.
Không chỉ ở Gia Viễn, nhiều huyện khác trong tỉnh như Nho Quan, Hoa Lư, Kim Sơn, Yên Mô… mưa cũng gây ngập úng trên diện rộng. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan, mưa đã làm hơn 1.000ha lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại 5 xã khu vực ngoài đê Hoàng Long là Gia Lâm, Gia Tường, Gia Thuỷ, Gia Sơn và Xích Thổ bị ngập trắng.
Theo ước tính ban đầu, đã có hơn 800ha bị mất trắng. Bà Đinh Thị Mùi, nông dân xã Xích Thổ, ngậm ngùi: "Nhà vừa phun thuốc sâu lần 3. Lúa đang mơn mởn, xanh tốt, ngâm nước mấy ngày giờ đã rũ rượi hết...".
Ông Trần Văn Dưỡng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan cho biết, tình hình chống úng đang gặp rất nhiều khó khăn. Riêng ở huyện Yên Mô, những cơn mưa liên tiếp với lượng mưa trung bình hơn 260mm trong những ngày qua cũng đã làm khoảng 5.700ha lúa mùa bị ngập, trong đó gần 3.000ha bị ngập ¾ cây.
Trao đổi với NTNN ngày 31-8, ông Trần Văn Bách - Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Bình cho biết, tổng diện tích lúa, hoa màu bị ngập trong toàn tỉnh thời điểm cao nhất là 11.197ha. Nhưng hiện nay, do tập trung bơm tiêu úng nên diện tích ngập úng hiện còn khoảng 6.935ha, trong đó 566ha sẽ bị mất trắng. Theo ghi nhận của NTNN, ở những ruộng ngập sâu trong mấy ngày qua, dưới cái nắng 300C, thân và lá lúa đã bắt đầu phân huỷ.
Mưa đã khổ, nắng càng lo
Đến ngày hôm qua (31-8), mưa đã dứt hẳn, nắng nhẹ đã bắt đầu xuất hiện. Đây là "điềm gở" cho công tác chống úng lúa, hoa màu. Với kinh nghiệm của một lão nông, ông Nguyễn Văn Năm ở xã Gia Thanh chia sẻ: "Sau mưa, lúa bị ngập, nếu rút nước dần mà trời không nắng thì việc cứu lúa đơn giản. Nhưng nếu trời nắng to lên là coi như vô phương cứu chữa”.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Bách, hiện nay, 50% lúa mùa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nên việc huy động bơm tiêu kịp thời vẫn có thể cứu lúa, trừ những nơi vùng trũng, khó bơm tiêu.
Với diện tích lúa ngập lên đến 4.200ha, hiện nay, huyện Kim Sơn đang căng mình tiêu nước, chống úng. Báo cáo ban đầu cho biết, các xã đa vận hành 5 trạm bơm để chống úng cục bộ. Đội Khai thác công trình thuỷ lợi huyện vận hành 5 trạm bơm tiêu với 37 máy bơm với công suất 4.000m3/giờ/máy tại Chất Bình, Quy Hậu, Kim Đài, Phát Diệm và Cồn Thoi.
Tại huyện Yên Mô, trong mấy ngày qua, 96 máy ở 23 trạm hoạt động cùng với máy bơm ở các hợp tác xã cũng được huy động phục vụ công tác tiêu úng, cứu lúa.
Được biết, hiện nay, Sở NN&PTNT Ninh Bình đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp các huyện thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra để có chính sách hỗ trợ kịp thời giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Hà Nội: Hơn 2.700ha lúa bị ngập úng
Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy PCLBTP thành phố Hà Nội, đến nay đã có hơn 2.700ha lúa bị úng ngập. Diện tích lúa bị ngập nhiều nhất là huyện Thanh Oai (1.040ha), Mỹ Đức (430ha), Quốc Oai (350ha), Thường Tín (300ha), Chương Mỹ (280ha), Từ Liêm (150ha)... Các đơn vị thủy lợi đã vận hành 701 máy bơm ở 154 trạm bơm để bơm tiêu úng. Hoà Bình
Hữu Thông